Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

Cái khó cho những doanh nghiệp niêm yết

 


Theo quy định hiện hành, chênh lệch tỷ giá sẽ được xác định tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm. Tuy nhiên, qua các thông tin giải trình cho thấy, những rủi ro liên quan tiếp tục gây khó cho nhiều doanh nghiệp niêm yết trong nửa đầu năm 2010.




Quý 2/2010, lợi nhuận của Công ty Cổ phần Hóa dầu Petrolimex (mã PLC-HNX) tăng hơn 12,26 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2009. Thông tin giải trình vừa công bố cho biết, một trong những thuận lợi để có kết quả đó là chi phí tài chính quý 2/2010 của Công ty thấp hơn 42,10% so với quý 2/2009, chủ yếu là do các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá giảm so với cùng kỳ.

Nhưng những trường hợp như PLC (theo thông tin đã công bố) hiện không nhiều. Loạt văn bản giải trình thời gian gần đây cho thấy, trên cả hai sàn niêm yết HOSE và HNX, có nhiều trường hợp lợi nhuận năm nay có thể bị ảnh hưởng lớn từ rủi ro tỷ giá.

Có trường hợp khoản lỗ ghi nhận từ nguyên nhân này chỉ vài trăm triệu đồng, nhưng có những trường hợp nếu xác định ngay phải ghi nhận cả trăm tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá được ghi nhận chủ yếu từ các khoản vay ngoại tệ, ngay cả với những khoản vay ngắn hạn.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Truyền thông số 1 (mã ONE-HNX), cuối năm 2009, Công ty phải vay một khoản ngoại tệ lớn ngắn hạn để trả cho nhà cung cấp nước ngoài. Chênh lệch tỷ giá hạch toán và tỷ giá thực tế phát sinh lớn dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá cao. Và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện là 1,8 tỷ đồng.

Tại Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô (mã DDM-HOSE), chênh lệch chi phí tài chính đội lên sau kiểm toán 6,24 tỷ đồng một phần cũng do chênh lệch tỷ giá trong thanh toán là 2,35 tỷ đồng. Và đây cũng là một yếu tố khiến lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán lỗ 17,9 tỷ đồng, thay vì lỗ 11,45 tỷ đồng trước kiểm toán.

Với Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco (mã VIP-HOSE), lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2010 phải “chia sẻ” khoản trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá đối với khoản vay ngoại tệ tới 10 tỷ đồng, là một trong những nguyên nhân dẫn tới lợi nhuận giảm tới 27,74% so với cùng kỳ năm 2009.

Tại một số doanh nghiệp khác, khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá từ năm trước vẫn tiếp tục đeo bám. Như tại Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (mã VST-HOSE), lỗ từ chênh lệch tỷ giá tính đến thời điểm 31/12/2009 lên đến gần 59 tỷ đồng, và đến tháng 7/2010 Hội đồng Quản trị phải ra nghị quyết dùng toàn bộ số dư quỹ dự phòng tài chính (12,6 tỷ đồng) để bù đắp.

Hay các khoản vay bằng đồng Won và USD của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP-HOSE) cũng phát sinh nhiều chi phí từ biến động của tỷ giá. Trong năm 2009, công ty này có lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện là 96,28 tỷ đồng; trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá chưa thực hiện đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ là 123,53 tỷ đồng; Công ty phải phân bổ 96,28 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh năm 2009 dẫn đến lợi nhuận trước thuế bằng 0. Còn lại khoản lỗ gần 27,25 tỷ đồng chưa phân bổ, trong 6 tháng đầu năm 2010 Công ty chưa kết chuyển vào chi phí.

Trong dư nợ của BTP có ghi nhận hơn 43,7 tỷ Won và 15 triệu USD, số tiền chênh lệch tỷ giá tính từ thời điểm 31/12/2009 đến 30/6/2010 là hơn 16,5 tỷ đồng. Tuy nhiên Công ty chưa đánh giá lại vào thời điểm 30/6/2010 mà sẽ được đánh giá vào thời điểm 31/12/2010.

Tương tự, thuyết minh báo cáo tài chính quý 2/2010 của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC-HOSE) cho biết, khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ của Công ty đến thời điểm 30/6/2010 là 33,421 tỷ JPY; tỷ giá giữa VND với JPY do Ngân hàng Nhà nước thông báo tại ngày 30/6/2010 là 1 JPY = 204,12VND, tăng 3,42 VND so với 31/12/2009. Thời điểm quý 2/2010 căn cứ tỷ giá tại 30/6/2010, chi phí chênh lệch tỷ giá dự kiến theo ước tính là 114,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chênh lệch tỷ giá sẽ được xác định tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm nên Công ty chưa thực hiện xác định chênh lệch tỷ giá tại thời điểm hiện tại…

Với những khoản vay bằng USD, trong 6 tháng đầu năm 2010, sau lần điều chỉnh ngày 11/2 (tăng hơn 3%), tỷ giá được giữ ổn định. Tuy nhiên, ngày 18/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng thêm gần 2,1% và chưa thể khẳng định đó là lần điều chỉnh cuối cùng của năm 2010 hay không.

Với những khoản vay bằng JPY, tỷ giá tính chéo của VND so với JPY áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng đã tăng mạnh trong thời gian gần đây; mức áp dụng từ ngày 21/8 đến 31/8/2010 đã là 1 JPY = 221,48 VND, tăng tới 10,35% so với thời điểm 31/12/2009.

Những biến động đó của tỷ giá sẽ tiếp tục gây khó khăn đối với những doanh nghiệp niêm yết có các khoản vay bằng ngoại tệ - một bộ phận có thông tin tài chính công khai và đại chúng.


kienthuckinhte.com (Theo economy)

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.kienthuckinhte.com/tai-chinh/kien-thuc/1241-cai-kho-cho-nhung-doanh-nghiep-niem-yet.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến