Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Cần hệ thống phân phối quốc gia


Thị trường nội địa VN sau hơn 20 năm đổi mới đã có nhiều tiến bộ đáng kể: tốc độ phát triển nhanh và tương đối ổn định, tăng trưởng bình quân 10%/năm trong 10 năm gần đây, sử dụng hơn 5 triệu lao động cả nước và đã đóng góp 14% GDP trong năm 2009. Đây là một thị trường có tiềm năng và có sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước trước mắt cũng như tương lai về sau.



Trong hơn 20 năm qua ở trong nước đã có hàng trăm siêu thị, trung tâm thương mại ra đời và hoạt động ở các thành phố lớn (Một trong chuỗi siêu thị của Hapro)

Gần 10 năm trở lại đây, nhất là từ khi VN gia nhập WTO, một số nhà đầu tư bán buôn bán lẻ nước ngoài đã vào kinh doanh ở thị trường VN. Các DN trong nước cũng tổ chức các hệ thống chuỗi siêu thị để kinh doanh chấp nhận cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Trong năm 2009 Nhà nước có chủ trương tổ chức cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN cũng là góp một phần vào việc kích cầu cho thị trường nội địa, trong lúc xuất khẩu có khó khăn. Việc tạo lập một thị trường nội địa chắc chắn nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển và phục vụ tiêu dùng xã hội, coi thị trường nội địa và xuất khẩu là hai mặt trận thương mại chính của đất nước trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế là một chủ trương đúng đắn của chúng ta.

Nói đến thị trường nội địa không thể không đề cập hệ thống phân phối quốc gia, đơn giản vì: Nếu sản xuất ra hàng hóa và tổ chức NK hàng hóa về mà không có một hệ thống phân phối đủ mạnh bao gồm: kho dự trữ sơ chế, mạng lưới kinh doanh, đường giao thông và cảng biển… đủ sức đáp ứng các yêu cầu của việc lưu thông hàng hóa thông suốt, chi phí thấp nhất thì sản xuất và nhập khẩu sẽ không có hiệu quả, sức cạnh tranh kém.


Tuy nhiên thị  trường nội địa và hệ thống phân phối tại VN vẫn còn bộc lộ một số điểm yếu như sau:


Quy hoạch hệ thống phân phối làm chưa khoa học, chắp vá và không được đồng bộ, các điều kiện thực hiện quy hoạch chưa đầy đủ như cơ chế chính sách, tài chính… Mạng lưới phân phối nội địa chủ yếu vẫn là do lịch sử để lại. Nó mang tính tự phát manh mún, chi phí cao chồng chéo kém hiệu quả, chưa phù hợp với sự vận động của quy luật thị trường, quy luật kinh tế và quy luật về vận động hàng hóa.


Về hạ tầng của hệ thống phân phối do phát triển tự phát nên bị chắp vá, thiếu và yếu kém khá toàn diện, từ các trung tâm bán buôn lớn đến các chợ vùng sâu vùng xa, những kho tàng, bến bãi, đường giao thông đều xuống cấp và lạc hậu không theo kịp sự phát triển của hệ thống phân phối trong điều kiện mới. Giao dịch mua bán hàng hóa ít mang tính công khai minh bạch và đúng luật pháp. Hậu quả là người sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng bị thiệt thòi nhiều nhất. Hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa tương đối phức tạp, chúng ta đang quản lý từ ngọn chứ chưa quản lý từ gốc. Do đó hàng hóa mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng lậu hàng giả hàng nhái, hàng kém phẩm chất khá phổ biến trên thị trường tự do rất khó kiểm soát. Chúng ta mới kiểm soát được phần nổi của tảng băng chìm của các hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh ở thị trường nội địa.


Công tác xây dựng luật pháp, cơ chế chính sách cho thị trường nội địa còn thiếu chưa đầy đủ và chưa phù hợp. Có thể nói thị trường nội địa ít được quan tâm nhất, nếu không muốn tụt hậu so với khu vực và thế giới chúng ta phải khẩn trương đề ra các cơ  chế chính sách phù hợp.


Sự liên kết hợp tác trong hệ thống phân phối của thị trường nội địa tuy có tiến bộ nhưng còn rất yếu, hợp tác ít có cam kết và thành công, mạnh ai người ấy làm. Hợp tác giữa sản xuất và sản xuất, giữa bán buôn và bán lẻ, giữa sản xuất và phân phối nội địa, giữa các tỉnh thành và các vùng kinh tế trong cả nước, giữa hệ thống phân phối nội địa và các ngành kinh tế khác như du lịch, tài chính, ngân hàng, và cả các cơ  quan quản lý giải quyết các thủ tục hành chính cho DN kinh doanh nội địa. Do vậy, tính cộng đồng không được nâng cao, sức mạnh tổng hợp của DN VN không được phát huy mạnh mẽ.


Các thủ tục hành chính có liên quan đến sự phát triển đến thị trường nội địa còn khá phức tạp, chậm cải tiến, tốn thời gian và chi phí như tiếp cận đất đai, mạng lưới đăng ký kinh doanh nộp thuế. Những chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại làm tăng giá thành và chi phí lưu thông của DN kinh doanh. Người làm ăn nghiêm túc thiệt thòi, người vi phạm pháp luật kinh doanh vẫn nhởn nhơ.


Để khắc phục những tồn tại trên  nhằm xây dựng một thị trường nội địa và hệ thống phân phối khoa học, lành mạnh, hiệu quả, công khai minh bạch chúng ta phải giải quyết một số vấn đề cơ bản như sau:


Về phía các DN kinh doanh thương mại nội địa cần nhận thức sự tồn tại bền vững trong cạnh tranh bình đẳng trước yêu cầu của hội nhập. Phải vượt qua chính mình, khắc phục tư tưởng tiểu nông trong kinh doanh để cùng nhau liên kết hợp tác. Tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất thương mại hiện đại, từng bước xây dựng thương hiệu và uy tín kinh doanh của DN mình. Kinh doanh có văn hóa, với tính chuyên nghiệp cao, tính cộng đồng bền vững, tuân thủ pháp luật kinh doanh hiện hành của nhà nước. Cần tự giác tham gia chuỗi phân phối hiện đại từ sản xuất gắn với bán buôn và bán lẻ, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người  tiêu dùng. Thông qua tiêu dùng xã hội, tác động trở lại sản xuất để phục vụ xã hội hiệu quả nhất.


Riêng đối với các DN nhà nước kinh doanh thương mại nội địa, nhất là các tổng công ty thương mại nhà nước có nhiệm vụ kinh doanh nội địa: cần nhận thức đúng vai trò đầu tàu, gương mẫu dẫn dắt thị trường của mình để hoạt động với quy mô ngày càng lớn và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, sẵn sàng tham gia việc can thiệp làm bình ổn thị trường giá cả khi cần thiết. Các đơn vị phải làm nòng cốt cho chuỗi sản xuất, phân phối quốc gia. Thương mại không phải là một ngành nhà nước giữ 100% vốn. Do đó, cần nghiêm túc thực hiện việc cổ phần hóa DN theo tiến độ Chính phủ đã quy định nhằm huy động thêm vốn kinh doanh, quản lý minh bạch hiệu quả, khi cần vươn ra để tham gia chuỗi phân phối quốc tế.


Về phía Nhà nước trung ương và các địa phương: Xây dựng trên cơ sở luật pháp, các cơ chế chính sách một môi trường kinh doanh lành mạnh, công khai minh bạch cho tất cả các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia. Luật pháp và chính sách cần rõ ràng, dễ hiểu và thực hiện, dễ tiên liệu trước để xây dựng kế hoạch kinh doanh lâu dài, ít sơ hở để dễ bị lợi dụng.


Cần đầu tư và nghiên cứu phát triển (R&D) về thị trường nội địa và hệ thống phân phối một cách khoa học, hợp quy luật, sáng tạo phù hợp với những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của VN, cộng thêm các kinh nghiệm phát triển của thương mại quốc tế. Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô để các DN luôn luôn chủ động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của các DN ở thị trường nội địa trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Giải quyết khẩn trương các nút thắt của nền kinh tế: cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, tham nhũng lãng phí… để từng bước giảm bớt chi phí cho DN thương mại tham gia hệ thông phân phối quốc gia. Chú ý phân công rõ nhạc trưởng chỉ huy, chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân như vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa… Cần làm rõ vai trò và trách nhiệm, những điều kiện cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của các bộ ngành trung ương và chính quyền các tỉnh thành phố trực thuộc và chính quyền cơ sở trong việc quản lý nhà nước ở thị trường nội địa.


Khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch thương mại, quy hoạch mạng lưới phân phối quốc gia làm cơ sở cho các địa phương hoạch định quy hoạch của mình. Nâng cao vai trò thực sự của các hiệp hội, các hội ngành nghề, ngành hàng ở trung ương và địa phương để có đủ quyền hạn và trách nhiệm, điều kiện hoạt động của mình, gắn hiệu quả hoạt động của hội với hoạt động của các DN thành viên. Trong chỉ đạo tổ chức thực hiện ở thị trường nội địa cần chú trọng vai trò của các tập đoàn, các nhà sản xuất lớn ở trong nước sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cho quốc gia trong nhiệm vụ nắm trọn bán buôn và chi phối bán lẻ nhằm làm chủ thị trường quốc gia trong mọi tình huống bất trắc.


Làm được một số yêu cầu cơ bản nêu trên cùng với sự chỉ đạo thực hiện kiên quyết của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương, sự cố gắng của các DN và sự ủng hộ của người tiêu dùng VN, nhất định thị trường nội địa VN sẽ góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.




Vũ Vinh Phú -

Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội,

Chủ tịch Hội Siêu Thị TP Hà Nội

Filed under: Pr Community

Xem đầy đủ bài viết tại http://vietiep.wordpress.com/2010/02/25/c%e1%ba%a7n-h%e1%bb%87-th%e1%bb%91ng-phan-ph%e1%bb%91i-qu%e1%bb%91c-gia/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến