Giữ vị thế gần như độc tôn trên thị trường sữa Việt Nam ở nhiều mặt hàng. Nhưng trong vài năm tới, liệu Vinamilk có còn giữ được những lợi thế này.
Thị phần của Vinamilk đang có nguy cơ sụt giảm
Giữ vị thế gần như độc tôn trên thị trường sữa Việt Nam ở nhiều mặt hàng với tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu cao, lại được hưởng lợi từ việc lãi suất tăng cao giai đoạn trước do có lượng tiền mặt lớn, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM) dường như đang sở hữu tất cả những yếu tố trong mơ đối với một DN. Nhưng trong vài năm tới, liệu Vinamilk có còn giữ được những lợi thế này?
Quy mô lợi nhuận vẫn tăng
Báo cáo tài chính hơp nhất quý I/2012 của Vinamilk đã cung cấp cho cổ đông nhiều thông tin mà họ trông đợi, với tất cả các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý I/2012 đạt 5.984 tỷ đồng, giá vốn hàng bán 4.076 tỷ đồng, LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 1.270 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) quý I/2012 lên tới 2.286 đồng, cao hơn mức EPS năm của nhiều DN niêm yết.
Đây là một kết quả hợp lý với một DN có quy mô và tầm vóc như Vinamilk. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, sản phẩm sữa chua Vinamilk chiếm tới 95% thị phần, sữa đặc chiếm 75% thị phần và sữa bột khoảng 30%, với hơn 178.000 điểm bán lẻ khắp cả nước.
Trong thời gian tới, quy mô kinh doanh của Vinamilk dự kiến sẽ tăng đột biến, khi Công ty đưa các nhà máy mới vào sản xuất. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Vinamilk thực hiện mục tiêu 3 tỷ USD doanh thu vào năm 2017. Theo nội dung trao đổi với báo chí hồi quý I/2012, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, thời gian tới, 3 nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động. Trong đó, tháng 6/2012, nhà máy chuyên sản xuất sữa tươi, sữa chua ở Đà Nẵng sẽ đưa vào vận hành. Tới quý I/2013, “siêu nhà máy” tại Bình Dương dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 400 triệu lít sữa tươi/năm, tương đương công suất hiện tại của 9 nhà máy Vinamilk cộng lại. Cũng trong quý I/2013, nhà máy chuyên sản xuất sữa bột trẻ em Dielac 2, có công suất 54.000 tấn/năm sẽ được vận hành. Đây là một những lý do quan trọng giúp Công ty tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng 30%/năm trong năm 2012.
Nhưng lợi thế giảm
Với kế hoạch đầu tư lớn, Vinmilk đang thể hiện được sức phát triển ngày một lớn của mình. Và quan trọng hơn, mức độ tiêu thụ sữa bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng thế giới, là cơ hội để Vinamilk nói riêng, các DN sữa nói chung mở rộng miếng bánh lợi ích.
Tuy đứng trước cơ hội lớn, nhưng dường như những lợi thế hiện hữu của Vinamilk đang trong xu hướng ngày một giảm. Minh chứng là tổng doanh thu vẫn tăng theo thời gian, nhưng thị phần sữa của Vinamilk đang có nguy cơ sụt giảm, mà nguyên nhân đến từ các đối thủ cạnh tranh lớn mới tham gia thị trường. Ở lĩnh vực sữa tươi, TH True Milk, với quy mô đầu tư lớn, bài bản và slogan ghi điểm với thị trường “thật sự thiên nhiên”, đang ngày một chứng tỏ mình là đối thủ đáng gườm của Vinamilk. Sữa chua, vốn gần như độc quyền của Vinamilk, giờ cũng bị các thương hiệu khác tấn công ồ ạt, trong đó, nổi lên có sữa chua Ba Vì. Mảng sữa bột cũng chịu sự cạnh tranh ngày một lớn của các thương hiệu sữa lớn đến từ Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp….
Quý I/2012, tỷ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu thuần của Vinamilk đã tăng lên mức 69,37% từ mức 66,72% của cùng kỳ năm trước. Mặc dù chi phí bán hàng, quảng cáo, hoa hồng trên tổng doanh thu của Vinamilk quý I đang sụt giảm so với cùng kỳ, cho thấy, vị thế tốt của Công ty trên thị trường, nhưng sự lớn mạnh của các đối thử sau lưng Vinamilk đang “phả hơi nóng” ngày một mạnh hơn vào công ty này.
Vị thế tiền mặt lớn sẽ giảm dần
Vinamilk có lẽ là DN có vị thế tiền mặt thuộc nhóm lớn nhất tại Việt Nam. Cuối quý I/2012, Công ty có 2.983 tỷ đồng tiền, trong đó, 2.112,1 tỷ đồng là tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng, 870,461 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng, chưa kể 350 tỷ đồng đầu tư trái phiếu dài hạn. Quý I, Công ty thu về 82,7 tỷ đồng lãi từ tiền gửi, cho vay và 25 tỷ đồng lãi mua trái phiếu. (Năm 2011, lãi từ 3 khoản trên của Vinamilk lên tới 466,95 tỷ đồng trên tổng số 4.978 tỷ đồng LNTT).
Trong cơ cấu nguồn vốn, Công ty hiện có tới 2.231 tỷ đồng là tiền nợ người bán, người mua trả tiền trước. Nếu áp lực cạnh tranh diễn ra gay gắt hơn, rất có thể, lượng tiền chiếm dụng thương mại của Vinamilk sẽ giảm theo vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Thêm vào đó, theo kế hoạch trình ĐHCĐ năm 2012, Vinamilk dự kiến giải ngân khoảng 4.537 tỷ đồng vào các dự án riêng trong năm 2012 và 3.166 tỷ đồng giải ngân đầu tư cho 4 năm từ 2013 – 2016. Những khoản đầu tư này sẽ làm giảm nhanh vị thế tiền mặt của Công ty.
Nền tảng kinh doanh tốt, hiệu quả của Vinamilk là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng, từ mức hiệu quả kinh doanh như hiện nay, Vinamilk sẽ đi lên hay đi xuống vẫn là một ẩn số, khi cuộc cạnh tranh của Vinamilk với các đối thủ cạnh tranh mới vẫn chưa có lời giải rõ ràng.
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét