Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Văn hóa từ chức và hiện tượng các Bộ trưởng

"Cách làm hiện nay không thể thu hút được người tài. Nói là dân chủ trong công tác cán bộ, nhưng thậm chí có nơi tới 50% các trường hợp đề bạt cán bộ lãnh đạo chưa thực sự dân chủ".

Bộ trưởng Đinh La Thăng rất thẳng thắn khi nói rằng sẵn sàng nhận trách nhiệm, sẵn sàng từ chức nếu không hoàn thành các nhiệm vụ tại Bộ GTVT

Ước vọng của nhân dân là các Luật và các Nghị quyết của Quốc hội đi thẳng vào cuộc sống. Ước vọng của nhân dân là các Bộ trưởng hứa ít làm nhiều. Nhân dân là người trực tiếp được thụ hưởng những thành quả ấy, niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước cũng được tăng dần lên từ chính những điều thiết thực ấy.

Đó là khẳng định của ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề văn hóa từ chức và hiện tượng các Bộ trưởng.

Thưa ông, lời hứa của các Bộ trưởng thì không phải bây giờ nhân dân mới được nghe, vì rằng trong quá khứ có người hứa thì hay nhưng làm chẳng được bao nhiêu. Theo ông thì có cần phải giám sát thật chặt chẽ lời hứa của các Bộ trưởng?

Thực tế chúng ta có quy định về công tác giám sát và bỏ phiếu tín nhiệm, hai cái đó rất quan trọng, cần phải làm. Tuy nhiên, tôi thấy mức độ giám sát của các cơ quan thuộc Quốc hội, có những việc chưa sâu sát, hiệu quả giám sát chưa cao.

Quy định bỏ phiếu tín nhiệm cũng chưa thực hiện được vì chưa thống nhất được nhận thức, cho nên chưa thể làm được. Đó là nỗi buồn day dứt trong tôi từ nhiều khóa nay. Theo tôi, Khóa XIII này phải chấn chỉnh lại cách làm và phải làm thật.

Làm việc ở Quốc hội lâu năm, tôi rút ra, công tác ở Quốc hội có thể là khó mà cũng có thể là dễ bởi vì lâu nay Quốc hội giám sát các cơ quan khác chứ có ai giám sát Quốc hội đâu! Vì thế, các cơ quan của Quốc hội cần làm tốt hơn nữa chức năng giám sát của mình.

Ước vọng của nhân dân là các Luật và các Nghị quyết của Quốc hội đi thẳng vào cuộc sống. Ước vọng của nhân dân là các Bộ trưởng hứa ít làm nhiều. Nhân dân là người trực tiếp được thụ hưởng những thành quả ấy, niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước cũng được tăng dần lên từ chính những điều thiết thực ấy.

Còn những Bộ trưởng đã từng nói thì hay nhưng kết quả làm việc lại thấp, có phải do được đặt nhầm vị trí không, thưa ông? Hay đó là cái bệnh cán bộ của xã hội chúng ta ?

Khái niệm đặt nhầm vị trí cũng cần trao đổi làm cho rõ hơn. Tôi cho rằng, trong công tác cán bộ phải công tâm, phải lấy tiêu chuẩn để xem xét, cân nhắc để bổ nhiệm vào đúng vị trí. Tiêu chuẩn là gì? Ai cũng hiểu được, đó là Đức và Tài, bây giờ người ta hay dùng cụm từ “Tâm và Tầm”, cũng rất đúng.

Có những trường hợp đề bạt cán bộ mà không đủ đức và tài thì ở bất cứ công việc nào thì họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp này, gọi là đặt nhầm vị trí cũng đúng; nhưng khốn khổ, đặt ở một vị trí khác thì họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Như thế thì có nên gọi là đặt nhầm hay không? Có lẽ nên gọi là chọn sai cán bộ... Tóm lại, khi một cán bộ không đủ tiêu chuẩn, không có đức lại không có tài thì dù bố trí ở vị trí nào họ cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Bằng sự chiêm nghiệm của mình, tôi cho rằng, điều quan trọng với người làm lãnh đạo là dám đưa ra những quyết sách đột phá, tôi tin những người như anh Thăng hay anh Huệ sẽ làm được những việc ấy.

Điều quan trọng nhất là chủ trương phải đúng đắn, đã làm thì làm cho tới cùng, đừng e ngại một cách thái quá, tất nhiên người Việt Nam ta và người Á Đông nói chung ưa thích cách ứng xử tế nhị, nhưng việc gì dứt khoát là phải quyết, không được chần trừ, cũng đừng đổ lỗi tại điều gì cả.

Có lẽ ông cũng đã biết, gầy đây có những vụ việc liên quan tới lãnh đạo như Thứ trưởng của Bộ Y tế khai man bằng Tiến sĩ; Bí thư Tỉnh ủy đi nhận bằng Tiến sĩ mà có hàng chục xe công đi theo hoan hô;Phó Ban Phòng Chống Tham nhũng một thành phố phía Nam ghi chức danh lên thiệp cưới của con, rồi chuyện Vụ phó Vụ quản lý Thị trường trong nước Bộ Công thương tự nhận đã đi thi toán quốc tế năm 1982, nhưng không có tên đi thi… Ông có bình luận gì về những sự việc này?

Tôi có theo dõi những thông tin này trên báo chí và rất buồn khi có một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo là đảng viên mắc sai phạm, hoặc cách ứng xử không đúng mực, để xảy ra những điều tiếng không tốt, khiến lòng tin của nhân dân bị suy giảm.

Chúng ta cũng cần xem lại công tác quản lý cán bộ, khi mà ngày càng có nhiều chuyện như thế này xảy ra.

Nếu nói những cán bộ này khá tùy tiện về lối sống thì có quá lời không, thưa ông?

Đây là những điểm tối kỵ mà mỗi cán bộ lãnh đạo đã nằm trong hàng ngũ của Đảng cần phải tránh, không để mình vướng vào, vì khi những chuyện không hay đó xảy ra thì trước tiên những người liên quan trực tiếp bị đánh giá về tư cách đạo đức, sau đến nữa là tổ chức nơi các đồng chí này công tác cũng bị ảnh hưởng.

Có thể thấy trong xã hội ta hiện nay, còn không ít người chạy theo bằng cấp, chạy theo danh vọng, và có cả những người khi đã đạt được chức vụ thì ngộ nhận, thiếu khiêm tốn.

Thời ông còn là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có nhiều quan chức dính tới tiêu cực không?

Có chứ, cũng không ít, nhưng bây giờ thì nhiều hơn. Tôi được tham gia Trung ương tương đối sớm nên có điều kiện gần gũi và quan sát các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở thời điểm ấy để giúp cho mình những bài học về đường đời.

Riêng về việc khai trình độ học vấn trong lý lịch của các đồng chí ấy thì có những điều đáng nói. Lúc đầu, tôi ngạc nhiên vì có không ít đồng chí khai trình độ học vấn của mình là lớp 4, lớp 5 lớp 7... Nhưng càng suy nghĩ tôi càng thấy cảm phục các đồng chí ấy.

Tôi học tập ở các đồng chí ấy về đức tính thật thà với Đảng, với dân. Tuy học vấn khai như vậy nhưng thực tế trình độ của các đồng chí ấy khá uyên thâm, giải quyết công việc bài bản, diễn thuyết trước công chúng rất hay.

Điều quan trọng mà chúng ta vẫn nói đó là học phải đi đôi với hành, học tập kiến thức là điều cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng thực tiễn cũng vô cùng quan trọng.

Ở vào thời kỳ kháng chiến, điều kiện học tập khó khăn, nhưng các đồng chí cán bộ cách mạng vẫn tự thân phấn đấu, họ tự học, tự trau dồi kiến thức từ lớp người đi trước, từ thực tế cuộc sống, học tập kinh nghiệm xây dựng đất nước từ nhiều quốc gia khác…

Vậy lúc còn đương chức, ông xử lý ra sao với những cán bộ dưới quyền mắc sai phạm?

Người Việt Nam ta luôn xử sự mọi chuyện mà cố gắng cân bằng giữa tình và lý. Tuy nhiên, tôi cho rằng đã là những việc thuộc về nguyên tắc thì bất di bất dịch, chỉ có điều, cách làm thì sao cho hợp lý, mềm mỏng để cấp dưới cùng chia sẻ, cùng cộng tác.

Mỗi con người đều có một cá tính khác nhau, như vậy mình nói với người này thì cách nói ấy hợp lý, nhưng chưa chắc với người khác đã là ổn. Quả thực là ở vị trí lãnh đạo mà phải xử lý, phải kiểm điểm cán bộ của mình là một việc làm rất khó, rất buồn và cái khó nhất chính là ở tình cảm.

Tôi có thể nói thế này, người mắc sai phạm thì phải chịu trách nhiệm, nhưng không vì cái sai ấy mà định kiến, cần nhìn thấy, thậm chí cố tìm cho ra được những cái tốt ở họ.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Đại tướng Lê Đức Anh, Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: "Lựa chọn cán bộ thì trung thực phải là yếu tố đầu tiên. Nếu cán bộ mà không trung thực, làm đúng thì không sao, nhưng làm sai thì sẽ tìm cách đổ tội loanh quanh, không chịu nhận sai. Làm việc thì có đúng, có sai, nhưng điều quan trọng là khi làm sai thì phải nhận là sai để sửa chữa, còn chối loanh quanh thì cán bộ đó hỏng. Cán bộ mà như vậy thì không nên dùng nữa”.

Nói một cách công bằng thì coi trọng bằng cấp cũng không có gì là xấu, nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta chưa kiểm soát tốt chuyện đào tạo và cấp bằng, điều đó dẫn tới tình trạng thi và học tràn lan…

Tôi từng công tác ở ĐH Thủy Lợi, và với tư duy của “người mắc bệnh nghề nghiệp” thì tình trạng này đã đến mức báo động số 3.

Việc có nhiều sơ hở trong cơ chế, chưa đi vào thực chất mà vẫn quá coi trọng bằng cấp khiến người ta phải chạy đua để có bằng, nhiều vị trí lãnh đạo không nhất thiết phải có bằng cấp cao bởi vì anh làm quản lý khác với anh làm nghiên cứu, nhưng đa số đều muốn có bằng cấp cao, cho dù cái bằng ấy chỉ để oai mà thôi.

Tôi nghĩ rằng, trong hàng ngũ lãnh đạo với nhau, ai có năng lực thì đều biết và nể nhau, chứ đâu phải vì cái bằng.

Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh nhưng thực tế thì ngay trong công tác tuyển chọn cán bộ vẫn có điều chưa ổn.

Thí dụ như khi chọn người ưu tú để đưa vào cơ quan dân cử hoặc đề bạt lãnh đạo ở một cấp nào đó, nếu làm một cách có lộ trình, công khai thì những người ứng cử sẽ phải chứng minh năng lực của mình trước nhân dân.

Trong phạm vi hẹp hơn của một Bộ nào đó thì cán bộ nhân viên cũng cần phải biết về quá trình công tác, thành tích đạt được của những người được đề bạt, điều đó sẽ giúp chọn lựa những cán bộ lãnh đạo tốt.

Cách làm hiện nay không thể thu hút được người tài. Nói là dân chủ trong công tác cán bộ, nhưng theo tôi có thể có tới vài chục phần trăm, thậm chí có nơi tới 50% các trường hợp đề bạt cán bộ lãnh đạo chưa thực sự dân chủ, mà như vậy thì cũng có nghĩa là chúng ta vẫn đang bỏ sót người đủ cả tài và đức, không ít trường hợp chọn nhầm những người chỉ vì mưu cầu cá nhân.

Những vụ việc liên quan tới nhiều cán bộ lãnh đạo thời gian qua chính là những minh chứng điển hình.

Xin lỗi vì hỏi ông câu này, ông có thể nói thật lòng rằng, ông có cảm thấy tiếc không khi không “chạy đua” lấy bằng cấp cao?

Sau thời gian làm cán bộ giảng dạy ở Đại học Thủy Lợi, tôi chuyển về công tác ở Ty Thủy lợi Quảng Ninh, dần dần tham gia hoạt động chính trị rồi lại về Hà Nội.

Khi là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn rồi về công tác ở Quốc hội, một số bạn bè khuyên tôi nên dành thời gian hoàn thành các chương trình theo quy định để có bằng cấp cao hơn. Nói thực, trong lòng tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng áp lực công việc rất lớn và phải cố gắng hoàn thành.

Tôi tự nhủ, phải cố gắng học hỏi trong thực tiễn để kịp bắt nhịp với công việc đang làm. Đến nay đã được nghỉ hưu, tôi cảm thấy vui vẻ và thảnh thơi vì đã làm tròn trách nhiệm được giao với tinh thần sáng tạo, quan hệ tốt với đồng nghiệp, gần gũi cơ sở, gắn bó với nhân dân, được mọi người quý mến.

Xét một cách công bằng, không thể phủ nhận bằng cấp là thước đo đánh giá cơ bản về năng lực của mỗi cá nhân, để việc tuyển chọn nhân sự được thuận lợi. Đối với các ngành khoa học, nhà trường... rất cần những người có trình độ cao thì việc có học hàm, học vị là lẽ đương nhiên.

Nhưng trong xã hội ta vẫn còn không ít người lấy bằng cấp cao chỉ là để “khoe mẽ”, vì thế cần được chấn chỉnh.

Những sự việc “xấu xí” liên quan tới cán bộ lãnh đạo như vừa nêu ở trên liệu có ảnh hưởng xấu tới các bạn trẻ không, thưa ông?

Tất nhiên là có ảnh hưởng rồi, những chuyện như vậy trở thành trò cười và khiến dư luận xã hội phản ứng là dễ hiểu. Các bạn trẻ thì dị ứng và coi khinh những hành vi như thế.

Những ngày gần đây, báo chí đã nói về trường hợp cán bộ khai man bằng cấp, cũng như những người có tấm bằng mà không đúng với trình độ thực có của mình. Theo tôi, đây cũng là một dạng tham nhũng, vì anh đã biến cái không phải của anh trở thành cái của anh, như thế là tham nhũng rồi.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

 




Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến