Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Nếu không có khu vực FDI…


Nếu không có khu vực FDI…
Nhìn vào kết quả xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2012 có thể rút ra ngay một kết luận về vai trò của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 83,8 tỷ đô-la Mỹ, khu vực FDI chiếm đến 52,5 tỷ đô-la, tức 62,6% bất kể số lượng doanh nghiệp trong nước lớn hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất nhiều lần.
Quan trọng hơn, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 18,9% chính là nhờ mức tăng rất cao của khu vực FDI, đến 34,6% chứ còn khu vực kinh tế trong nước, tức kể cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân, xuất khẩu 9 tháng đầu năm sụt 0,6%!
Rõ ràng là nếu không có khu vực FDI, xuất khẩu Việt Namsẽ sụt giảm so với mức tăng cao đều đặn trong nhiều năm trước. Sẽ có người nhận xét, xuất khẩu của khu vực FDI tăng cao là nhờ tính cả dầu thô. Không phải, xuất khẩu dầu thô 9 tháng đầu năm chỉ tăng 14,7% và nếu không tính dầu thô, xuất khẩu của khu vực FDI tăng đến 37,9%.
Thế nhưng trong cân nhắc chính sách, nhiều người lại bỏ quên khu vực FDI. Việc kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài không còn được chú trọng như những năm trước; các khó khăn của giới doanh nghiệp nước ngoài không được quan tâm tháo gỡ kịp thời như xưa…
Kết quả có thể thấy ngay, mức đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm đến 39% (còn 6,1 tỷ đô-la), vốn FDI thực sự triển khai trong 9 tháng đầu năm cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái (còn 8,1 tỷ đô-la).
Những khó khăn của doanh nghiệp trong nước dẫn đến những vận động hành lang của các nhóm lợi ích khác nhau rồi dẫn đến những thay đổi chính sách thường xuyên, gây lúng túng bối rối cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Các doanh nhân nước ngoài từng làm ăn lâu năm tại Việt Namphải nhận xét: chưa bao giờ họ thấy tương lai sản xuất và kinh doanh mờ mịt như hiện nay bởi không thấy sự nhất quán trong chính sách hay một lộ trình rõ ràng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, thay vì lắng nghe những phản hồi về môi trường kinh doanh ở nước ta, nhiều người lại cứ phân trần rằng nhận định của giới phân tích nước ngoài là phiến diện, không khách quan. Họ không nhận ra rằng nhà đầu tư nước ngoài dựa vào những nhận xét như thế trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam hay thôi chứ đâu quan tâm đến việc nhận xét này đúng sai đến mức độ nào.
Lấy ví dụ nhận định của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s vào tuần trước khi đánh tụt hạng trái phiếu chính phủ Việt Nam là rất đáng quan tâm. Moody’s cho rằng trong khoản thời gian 5 năm từ năm 2007 đến 2011, tín dụng tăng trưởng bình quân hằng năm đến 33,7%, vượt xa mức tăng bình quân GDP là 6,6% hay kể cả mức tăng GDP danh nghĩa là 21,3%. Sau đó tín dụng bị thắt chặt, làm cho nợ xấu ngày càng tăng. Nay việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng là không thể tránh khỏi và gánh nặng đó sẽ rơi vào ngân sách chính phủ, càng trói chân khả năng vận dụng chính sách tài khóa. Trong khi đó, ngân hàng vì lo cho bảng cân đối kế toán không thể để ngày càng xấu đi nên đang hạn chế cho vay, làm nghẽn dòng tăng trưởng kinh tế.
Thiết nghĩ, bên cạnh các số liệu thô sơ về đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần có những phân tích sâu hơn như số liệu doanh nghiệp FDI phá sản, đóng cửa trong quý, số việc làm do khu vực này tạo ra, số thuế các doanh nghiệp FDI nộp cho ngân sách, mức độ lan tỏa của một dự án FDI đến các doanh nghiệp trong nước làm vệ tinh cho dự án… Những số liệu này sẽ làm cơ sở cho giới hoạch định chính sách kịp thời đưa ra những quyết sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng thật sự. Một dự án sản xuất điện thoại của Samsung có thể làm thay đổi bức tranh xuất khẩu ở góc độ sản xuất công nghiệp – hàng loạt dự án như thế có thể là chỗ dựa để nền kinh tế thoát khỏi trì trệ, đình đốn như hiện nay.
PS: Ngoài ra, khu vực FDI xuất siêu gần 2,28 tỉ đô la Mỹ trong khi khối doanh nghiệp trong nước, trái lại, nhập siêu đến 8,6 tỉ đô la.


Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến