Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Quảng cáo trực tuyến đang dần được "cá nhân hóa"

Hiện nay, quảng cáo qua e-mail là phương pháp tiếp thị online phổ biến nhất. Nó tạo cơ hội cho các công ty nhanh chóng tùy biến nội dung và phân phối tới khách hàng với chi phí cực rẻ. Nhưng hình thức thu lời nhất lại là treo banner – chiếm hơn 50% doanh thu quảng cáo trực tuyến.


Quảng cáo là chiến lược kinh doanh mà mọi công ty đều không thể lơ là. Bắt đầu xuất hiện năm 1994, hình thức quảng bá sản phẩm, thương hiệu trên Internet đã trải qua nhiều thăng trầm và đang dần thay đổi để tiếp cận người tiêu dùng một cách chọn lọc hơn.

Tuy nhiên, người sử dụng đã bắt đầu khó chịu trước tình trạng thư quảng cáo tràn lan và coi đó là một dạng spam. Banner cũng trở nên nhàm chán và đạt mức CTR thấp (CTR – click through rate: tỷ lệ giữa số người truy cập website và số lượt click vào quảng cáo. Chẳng hạn, cứ 100 người vào website lại có một người bấm vào link quảng cáo, tỷ lệ CTR sẽ là 1%). Do đó, các công ty kinh doanh đang tìm kiếm những phương pháp có vai trò "làm mới" quảng cáo trực tuyến, tạo cho người sử dụng cảm giác gần gũi, mang tính "cá nhân" để đạt hiệu quả cao nhất, xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.

Quảng cáo trên blog

Đây là "mảnh đất" hoàn toàn mới mẻ. Chưa có nghiên cứu chính thức nào về mức độ tác động của blog đến công việc kinh doanh nhưng rõ ràng, web cá nhân có sức hút lớn cùng khả năng đánh bóng hoặc phá hủy một thương hiệu. Trong khi CTR trung bình của web truyền thống là dưới 1%, blog lại đạt tỷ lệ đầy ấn tượng: 5%. Hơn nữa, các công ty cũng chỉ tốn 10 USD – 350 USD/tuần để đăng thông tin trên blog. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia spam cũng đã bắt đầu nhòm ngó và cài đường dẫn đến một website nào đó vào blog của người khác (splog).

Trả theo số lần click chuột

Hình thức này được biết đến với tên gọi CPC (Cost Per Click) hoặc PPC (Pay Per Click). Người đăng quảng cáo sẽ không phải trả một khoản tiền lớn mỗi tháng cho chủ sở hữu website. Tiền thù lao hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng người click vào link quảng cáo. Dịch vụ nổi tiếng nhất hiện nay là Google AdWords và Hits4Pay. Nhưng một số công ty tham gia chương trình này đã gặp rắc rối do đối thủ cạnh tranh của họ cố tình bấm nhiều lần vào link và buộc họ phải trả tiền cho những truy cập không có thực.

Tương tự như PPC, với mô hình Pay Per Call (thanh toán theo cuộc gọi), đơn vị quảng cáo sẽ trả cho chủ website một khoản hoa hồng nhất định mỗi khi người sử dụng bấm vào link trên trang để thực hiện cuộc gọi trực tiếp. Hình thức này tương đối mới nhưng công ty cung cấp chiến lược kinh doanh Kelsey (Mỹ) dự đoán thị trường đó sẽ đạt 3,7 tỷ USD vào năm 2010.

Quảng cáo qua RSS

Đây là phương pháp tích hợp đoạn quảng cáo ngay trong các feed (trang chứa tính năng RSS, công cụ tập hợp tin tức từ nhiều website và phân phối tới người sử dụng). Mô hình này hiệu quả hơn nhiều so với gửi e-mail, đồng thời có thể tránh được nguy cơ bị công cụ lọc e-mail và pop-up chặn lại.

Quảng cáo với công cụ tìm kiếm

Mọi người thường sử dụng công cụ tìm kiếm để tra cứu thông tin trên Internet. Do vậy, quảng cáo qua các dịch vụ search đạt hiệu quả rõ rệt. Hình thức đó được nhiều công ty kinh doanh đánh giá cao và sẵn sàng trả tiền (hoặc áp dụng một số thủ thuật nhất định) để đường link dẫn đến website của họ xuất hiện trên đầu kết quả tìm kiếm mỗi khi người sử dụng nhập một số từ khóa nhất định.

Băng rộng tương tác

Một phương pháp khác đang được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao là video quảng cáo như trên truyền hình. Những trang có thể triển khai loại hình này là website chia sẻ video, hoạt họa, nhạc trực tuyến và đặc biệt là game. Công ty quảng cáo sẽ không chỉ có cơ hội đăng xen kẽ sản phẩm, dịch vụ vào trò chơi mà còn có thể xây dựng một số thành phần tích hợp ngay trong game liên quan đến thương hiệu của họ (như một tấm biển hiệu Mc Donald's trong Grand Theft Auto: San Andreas)

Dù chọn hình thức nào, người bỏ tiền ra để quảng cáo đều muốn tiếp cận càng nhiều khách hàng càng tốt, nhất là những nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ. Khi đó, công ty trung gian (như các website đăng quảng cáo) sẽ không ngồi chờ mọi người truy cập trang web và bấm vào đường link. Họ sẽ chủ động phân phối những link ấy đến người tiêu dùng, điển hình như dịch vụ Google Adsense.

Khi một site chấp nhận tham gia chương trình Google Adsense, nhà cung cấp sẽ gửi cho quản trị viên một đoạn mã HTML để chèn vào bất cứ đâu trong trang. Mỗi lần khách ghé thăm và click chuột vào đường link của Google Adsense, chủ website sẽ nhận được khoản thù lao nhất định. Dịch vụ này được người sử dụng Việt Nam khá ưa chuộng vì đây cũng là nguồn kinh phí đáng kể giúp họ duy trì website của mình. Tuy nhiên, để được Google chấp nhận, website đó phải chứa thông tin thực sự, không cài công cụ hack, phần mềm nguy hiểm, nội dung khiêu dâm và một số nguyên tắc khác. Hơn nữa, Adsense chưa hỗ trợ tiếng Việt nên đôi khi không thể cung cấp những banner tương xứng với nội dung website.

Bên cạnh đó, hình thức tiếp thị "thời vụ" cũng thường xuyên được đề cập trong thời gian gần đây. "Thời vụ" có nghĩa là đoạn quảng cáo sẽ chỉ xuất hiện vào một thời điểm nhất định trong ngày. Ví dụ, các công ty lương thực, thực phẩm chỉ cần "thuê đất" quảng bá sản phẩm trong khoảng thời gian diễn ra bữa sáng, trưa và tối…

Ngoài ra, khi phần mềm nhận dạng nét mặt trở nên phổ biến, chương trình quảng cáo không những có thể phát hiện được người sử dụng có đang nhìn vào một banner nào đó hay không, mà còn có thể xác định được đó là nam hay nữ để chuyển sang loại sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Lưu Trường Dương


Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến