Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Người đàn ông quyền lực nhất Ấn Độ và giấc mơ 4G

Tháng 12/2010, ông Mukesh Ambani, Chủ tịch tập đoàn năng lượng Reliance Industries, người đàn ông giàu có và quyền lực nhất Ấn Độ, đã gửi cho các nhà điều hành của Reliance một bản viết tay dài 36 trang.

“Giấc mơ 4G” của Ấn Độ còn xa vời

Tháng 12/2010, ông Mukesh Ambani, Chủ tịch tập đoàn năng lượng Reliance Industries, người đàn ông giàu có và quyền lực nhất Ấn Độ, đã gửi cho các nhà điều hành của Reliance một bản viết tay dài 36 trang.

Bản ghi nhớ trình bày những kế hoạch của ông nhằm phát triển mạng 4G lớn nhất thế giới tại Ấn Độ, đưa nước này dẫn đầu về công nghệ băng thông rộng không dây và đưa hàng triệu người Ấn Độ lần đầu tiên được sử dụng Internet.

Gần hai năm sau đó, dự án này bắt đầu chuyển động những bước đầu tiên. Theo một nguồn tin liên quan tới vụ việc, kế hoạch của Tập đoàn Reliance bao phủ một khu vực rộng lớn của Ấn Độ, với mục tiêu là 700 thành phố, bao gồm 100 thị trường được ưu tiên hàng đầu.

Theo ước tính của các nhà phân tích, nỗ lực này có khả năng sẽ tiêu tốn hơn 10 tỷ USD, và có thể yêu cầu thiết lập hàng chục ngàn cột tín hiệu di động mới. Reliance đã chi hơn 3 tỷ USD để có được phổ tần vô tuyến bao phủ toàn bộ Ấn Độ. Ngoài ra, ông Ambani còn có kế hoạch biến Reliance thành một nhà cung cấp truyền hình bằng cách xây dựng một mạng cáp quang siêu tốc kéo dài về các hộ gia đình tại nông thôn.

Tuy nhiên, dự án đã vấp phải một vài trở ngại ban đầu và khó đảm bảo được thành công.

Chi phí xây dựng mạng 4G thực ra cao hơn rất nhiều so với dự kiến, đặc biệt ở các khu vực dân cư thưa thớt. Trong khi đó, loại công nghệ 4G mà Reliance sử dụng - có tên “TD-LTE” - không phải tiêu chuẩn tại Mỹ và châu Âu, vì thế các nhà sản xuất smartphone lớn trên thế giới như Apple và Samsung không sản xuất thiết bị hỗ trợ mạng này.

Ngoài ra, dường như cũng còn quá sớm để triển khai vì ngay cả các dịch vụ băng thông rộng 3G vẫn còn khá mới mẻ tại Ấn Độ. Nhà phân tích Rajiv Sharme của HSBC đã nhận định: “Thị trường vẫn chưa sẵn sàng cho công nghệ LTE”.

Điểm sáng trong ngành viễn thông Ấn Độ

Mặc dù thành công còn rất xa vời, việc triển khai 4G vẫn là một điểm sáng trong ngành viễn thông vốn bị đè nặng bởi các vụ bê bối và sự hỗn loạn về quản lý của Ấn Độ. Mạng 4G của Reliance sẽ là mạng lớn nhất ngoài nước Mỹ và Nhật Bản. Ấn Độ dự kiến sẽ có nhiều thuê bao 4G hơn trong 4 năm tới - 37 triệu thuê bao - nhiều hơn Brazil, Nga và Indonesia, theo số liệu của công ty tư vấn Ovum.

Hiện nay, chỉ có 9% trong tổng số 1,2 tỷ dân của Ấn Độ được truy cập Internet, vì các đường cáp đồng và cáp quang không thể tiếp cận những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn. Các nhà phân tích nói rằng băng thông rộng không dây 4G sẽ cho phép nhiều người dân lần đầu tiên được truy cập web.

“Mảng kinh doanh các dịch vụ kỹ thuật số của chúng tôi sẽ cách mạng hóa đời sống của hàng triệu người Ấn Độ bằng cách cho họ được truy cập web”, ông Ambani nói tại cuộc họp thường niên của Reliance hồi tháng Sáu, khi ông tuyên bố là công ty sẽ đầu tư tổng số 10 tỷ USD vào các danh mục đầu tư trong vòng 5 năm.

Ngoài mạng 4G, Reliance còn muốn cung cấp hoặc tạo điều kiện cho sự phát triển một “nền tảng mạng xã hội” và “nền tảng giáo dục”. Theo bản ghi chép của ông Ambani, các trung tâm dữ liệu khổng lồ sẽ được sử dụng để lưu trữ dữ liệu từ xa, cung cấp dịch vụ Web dựa trên đám mây cho các doanh nghiệp.

Một nhà tư vấn cho dự án 4G cho hay, Reliance còn hướng tới phát triển một “trình quản lý kết nối giống Apple cho tất cả các thiết bị để có trải nghiệm Internet thân thiện ở gia đình”.

Áp lực mà ông Ambani gặp phải là Reliance phải bắt đầu triển khai sớm. Reliance là công ty duy nhất có giấy phép băng thông rộng không dây toàn quốc, nhưng nó sẽ vấp phải sự cạnh tranh đáng kể. Bharti Airtel, nhà mạng không dây lớn nhất Ấn Độ, cũng đã ra dịch vụ 4G tại Kolkata và Bangalore vào đầu năm nay, và có thể sẽ sớm tiếp tục mở rộng thêm. Hơn nữa, giấy phép băng tần của ông Ambani yêu cầu mạng của Reliance phải tiếp cận thị trường nông thôn trước năm 2015.

Phạm Duyên


Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến