Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

Một bài học cho người viết báo

Một bài học cho người viết báo

Internet thật là lợi hại. Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức họp báo. Một tờ báo đưa tin sai. WB ngay lập tức đưa lên trang web của họ toàn bộ nội dung liên quan. Thế thì người phóng viên đưa tin sai còn biết chống chế vào đâu nữa.

Số là trong buổi họp báo về Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ, có phóng viên hỏi quan điểm của WB về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đại diện WB trả lời với ba ý chính:

- Cho đến nay, WB chưa liên quan gì đến dự án đường sắt cao tốc của Việt Nam.

- Về nguyên tắc, WB không phản đối đường sắt cao tốc nói chung.

- Đồng thời WB cảnh báo Việt Nam nên chú ý đến việc quá tập trung vào các tập đoàn kinh tế vì rủi ro chúng có thể đem lại (tác động lên chính sách – kiểu như các chaebol ở Hàn Quốc từng làm; phải giải cứu nếu chúng thất bại…) cũng như đến các dự án khổng lồ nhưng có thể không đem lại lợi ích về kinh tế.

Có thể đọc nguyên văn tiếng Anh ở đây.

Vậy mà tờ VnExpress khi tường thuật đã thêm vào những ý người ta không nói như: Với các siêu dự án thế này, trèo quá cao có nguy cơ ngã nhanh. Hoặc diễn giả sai ý người nói như: để làm được những siêu dự án lớn, Việt Nam cần phải có một tư duy cũng thật lớn; Việt Nam chưa có tập đoàn nào được gọi là một Chaebol của đất nước và nếu muốn noi gương Hàn Quốc, sự nỗ lực sẽ vô cùng lớn, và hơn thế, cần phải có tư duy xứng tầm

Không được! Cho dù bản thân người phóng viên phản đối dự án đường sắt cao tốc, khi tường thuật phải giữ cho mình thái độ khách quan cần thiết, không được thêm thắt, không được diễn giải ý họ theo ý mình.

Điều đáng ngạc nhiên là bản thân WB khi dịch nội dung cuộc họp báo sang tiếng Việt lại dịch sai quá nhiều, làm phần tiếng Việt (có thể đọc ở đây) lại hàm ý khác với tiếng Anh khá xa.

Xin lượm ra một vài điểm sai như thế:

Sau khi dẫn chứng WB từng cho Nhật Bản vay tiền làm đường sắt cao tốc, hay đang cân nhắc một dự án loại này tại Brazil, đại diện WB nói: “Now, this is not to say that the high-speed train of Vietnam is a good idea”, tức là, “Nói vậy không có nghĩa [chúng tôi] cho rằng dự án đường sắt cao tốc của Việt Nam là một ý tưởng hay”. Thế nhưng bản dịch chuyển thành: “Bây giờ, không dễ để nói rằng dự án đường sắt cao tốc ở Việt Nam là một ý kiến hay.

Với nhận định “Vietnam is thinking big, and that has advantages and has risks” (Việt Nam đang cân nhắc các siêu dự án, điều đó vừa có điểm hay vừa có rủi ro), bản tiếng Việt dịch thành: “Việt Nam có những suy nghĩ lớn, có lợi thế cũng như rủi ro”.

Câu “At present, there are problems having more than 25 trains a day between Hanoi and HCMC. Taking freight out of the roads could be a good idea” ý nói hiện nay chưa thể chạy quá 25 chuyến tàu mỗi ngày trên đường sắt xuyên Việt và nếu phát triển thêm các đoàn tàu chở hàng để giảm tải cho đường bộ là điều hay. Thế nhưng tiếng Việt thành một câu ngô nghê: “Hiện tại, có một vấn đề là một ngày có những 25 chuyến tàu chạy giữa Hà Nội – Hồ Chí Minh. Dùng đường sắt vận chuyển hàng hóa có thể là một ý kiến hay”.

Câu này khó hơn một chút: “Now, it doesn’t mean that if Vietnam goes ahead with the high-speed train, from today to tomorrow it will issue 56 billion dollars in debt”. Hàm ý của nó là nếu Việt Nam quyết định thực hiện dự án đường sắt cao tốc hôm nay thì sẽ không có chuyện ngày mai vay được 56 tỷ đô-la. Câu tiếng Việt dịch sát và thành vô nghĩa: “Bây giờ, điều này không có nghĩa là nếu Việt Nam tiếp tục dự án đường sắt cao tốc thì nay mai sẽ phải gánh chịu 56 tỷ đô la tiền nợ.”

Cụm từ dịch sai thì nhiều, kiểu như tập đoàn kinh tế dịch thành “nhóm kinh tế”; thủ đô thành “vốn” (mà ngay sau đó đã có ví dụ về Yamoussoukro (thủ đô của Côte d'Ivoire), sao vẫn dịch sai được nhỉ?); Đại hội Đảng thì biến thành “Hội nghị Đảng” (VietnamNet khi đăng sửa được lỗi này nhưng không sửa các lỗi khác)…

Lẽ ra một tổ chức lớn như WB nên cẩn thận với chuyện dịch thuật hơn vì người ta đọc chủ yếu là bản dịch tiếng Việt chứ sẽ ít có người đọc bản tiếng Anh.

Xem đầy đủ bài viết tại http://nguyenvanphu.blogspot.com/2010/06/mot-bai-hoc-cho-nguoi-viet-bao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến