Việt Nam chấp nhận sử dụng các thiết bị an ninh có công nghệ lỗi thời từ 20 năm trước, đặc biệt là những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
500 lần, 50 mét và 5%
Ông Trần Trọng Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị An ninh công nghiệp châu Á, chi hội Việt Nam, cho biết, trong khi trên thế giới, việc sử dụng các thiết bị giám sát an ninh đã rất phổ biến thì ở Việt Nam mới sử dụng được 5% nhu cầu.
Chẳng hạn, ở Anh, một người dân Anh bị ghi hình 500 lần mỗi ngày, ở Singapore, cứ 50m thì có một camera. Điều đáng nói là các công nghệ của Việt Nam đang sử dụng là những công nghệ mà các nước tiên tiến sử dụng cách đây 20 năm.
Hiện tại, một loạt các dự án quốc gia như dự án giao thông Bắc - Nam với kinh phí 500 triệu USD, dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành... đang triển khai sẽ cần một lượng lớn các thiết bị an ninh. Bên cạnh đó, nhu cầu giám sát tại các doanh nghiệp (DN), và nếu tận dụng vào các hộ gia đình thì nhu cầu này sẽ càng phát triển hơn nữa.
Trước thực trạng cũng như nhu cầu sử dụng đó, Hiệp hội Thiết bị An ninh công nghiệp châu Á đã mang triển lãm Secutech đến Việt Nam. Sau khi Secutech 2008 diễn ra, số DN kinh doanh lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ. Từ hơn 100 DN trong năm 2008 đã tăng lên 800 DN vào năm 2012.
Bà Sandra Chen, Giám đốc Dự án Messe Frankfurt New Era Business Media, đơn vị tổ chức triển lãm Secutech tại nhiều quốc gia cho biết, kinh tế thế giới khó khăn, DN đang cắt giảm chi phí và việc đầu tư các thiết bị giám sát an ninh tiên tiến là một trong những giải pháp giúp DN hạn chế rủi ro. Điều này giải thích vì sao số lượng DN ứng dụng công nghệ an ninh vào sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đang tăng cao.
“Made in China”: Lo đủ đường!
Hiện nay, trên thế giới đã chuyển hẳn sang sử dụng hệ thống giám sát thông minh với nhiều tính năng như nhận diện khuôn mặt, phát hiện camera bị tấn công, tích hợp với các hệ thống cảm biến báo động khác, đồng thời hỗ trợ nhiều cách tương tác với người điều hành như email, SMS, FTP qua smart phone...
Tuy công nghệ giám sát đã phát triển mạnh trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng mới chỉ dừng lại ở cấp độ truyền thống là ghi hình. Với kinh nghiệm triển khai các giải pháp giám sát an ninh gần 3 năm nay, ông Đặng Thạch Quân, Giám đốc Công ty Công nghe Quang Dũng, đơn vị phân phối sản phẩm thương hiệu Axis, cho biết, cái khó khăn nhất của nhà phân phối và triển khai dự án là khách hàng chuộng sử dụng giải pháp camera analog rẻ tiền.
Thật sự, người tiêu dùng chưa nhìn nhận đúng tầm quan trọng của hệ thống giám sát an ninh. Vì vậy, khi cần đến các giải pháp an ninh, khách hàng thường có sự lựa chọn mang tính ngắn hạn với chi phí đầu tư ban đầu thấp. Đó chính là lý do các thiết bị ứng dụng công nghệ cách đây 20 năm, đặc biệt là những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, đang được tiêu thụ mạnh.
Ông Trần Trọng Vinh cho rằng, nếu chủ các tiệm vàng sử dụng camera giám sát thế hệ mới thì sẽ không xảy ra những vụ việc đáng tiếc vừa qua. Theo phân tích của ông Vinh, các chủ cửa hàng đã không được tư vấn đúng, đặt camera ở những vị trí không đúng...
Chức năng chính của hệ thống an ninh, an toàn là giám sát nhưng ở Việt Nam, đến 99% người dùng sử dụng theo kiểu: gắn để đó và khi sự cố xảy ra mới xem lại.
Nhu cầu đang tăng cao nên các DN trong nước cũng đã manh nha đầu tư sản xuất. Trong nước, hiện đã có Công ty CP Vạn Xuân (Vantech) sản xuất các thiết bị giám sát an ninh. Tuy nhiên, do ngành này đòi hỏi công nghệ cao nên Vantech chỉ sản xuất theo kiểu mua linh kiện về lắp ráp.
“Trước nhu cầu ngày càng tăng cao, sẽ có nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng các DN có ý định đầu tư vào ngành này nên chú ý đến xu hướng. Không nên đầu tư sản xuất những công nghệ lỗi thời, rất khó để có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc”, ông Vinh khuyên.
Minh Hào
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét