1.Đầu tháng 8 có cf nhảm nhí với bạn Ká Tạ, có 8 về eat.vn và thương vụ M&A với VC Corp. Cá nhân mình lúc đó không có nhiều niềm tin cho mô hình này. Đặc biệt, mình không muốn trở thành một anh chàng béo ú ngồi trên chiếc xe có kết nối Internet và di chuyển được (gọi là xe lăn công nghệ cao đi ^^) như những anh chàng trong phim Wall-E nên bao giờ mình cũng vote cho việc đi bộ đi ăn trưa hơn là gọi món về văn phòng.
Mình không thích không có nghĩa là những người khác cũng giống mình. Đó chính là lý do đầu tiên muốn ngó nghiêng một cách ngoại đạo vào thị trường đặt đồ ăn qua mạng. Lý do thứ hai, các gái nhà mình khi xem phim A Gentleman’s Dignity có kể về một đoạn phim mà 4 nhân vật chính hồi tưởng lại việc cách đây 20 năm khi còn là sinh viên họ đã nói gì. Một trong 4 anh chàng sinh viên đã mang một chiếc điện thoại StarTAC về và nghĩ rằng có khi trong tương lai tới cả nước uống người ta cũng phải mua ấy chứ nhỉ? Họ (lúc đó) đã cười phá lên với ý tưởng điên rồ này. Ai dè, chả phải Hàn Quốc mà bây giờ ở văn phòng, ở chung cư tại Việt Nam cũng bắt đầu mua (bình) nước uống đóng chai nhiều hơn là tự đi đun nước.
Vậy, đừng cười vào ý tưởng Online Food Delivery. Biết đâu một ngày nào đó sẽ chẳng còn ai nấu nướng gì ở nhà hết?
2.Sau cơn sốt Groupon, thị trường e-commerce tại Việt Nam bắt đầu được nhiều tổ chức có tiền nhòm ngó hơn. Niềm tin vào chuyện người Việt có thể trả tiền để mua đồ online đã được minh chứng cho dù hàng loạt site theo dạng Groupon tại Việt Nam phải giải thể hoặc chuyển mô hình. Và cùng lúc đó, các ông lớn nhảy vào để cung cấp dịch vụ đặt đồ ăn qua mạng. Mô hình này có vẻ thành công tại Mỹ (với các bạn như Seamless, Grubhub …) cũng như bắt đầu rục rịch được triển khai tại các nước châu Á và Đông Nam Á. Những ông lớn đã có sẵn kinh nghiệm làm thương mại điện tử tại Việt Nam, kinh nghiệm triển khai đội ngũ vận chuyển và logistic tại Việt Nam đều có vẻ không mất gì nhiều mà không mở thêm site về Online Food Delivery cả.
Cứ cho là những ông lớn tại Việt Nam đã sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật, về con người … Vậy họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì, đặc biệt với một khách hàng khó tính như mình?
- Tôi không muốn trở thành một lão già béo phì và cơ ngón tay là cơ phát triển nhất trên người! Như trên đã nói, ngồi im tại vp mà đặt món ăn qua mạng sẽ gây hại lâu dài cho sức khỏe.
- Tôi không thể đặt đồ ăn khi chưa đói và tôi lại không thể chờ được 30 phút – 1h sau khi đặt đồ ăn nếu tôi đã đói! Timing sẽ là một trong những vấn đề khó khăn. Mình thường là sẽ đói vào lúc 12h, đặt đồ ăn qua mạng thường mất ít nhất là 5-10 phút để đặt và 30 phút để chờ đợi (sau khi đã được confirm). Do vậy mình phải đặt đồ ăn từ lúc 11h15′ là chắc nhất. Lúc ấy có thể mình vẫn đang họp, đang làm việc và tệ nhất là mình … chưa đói. Chưa đói thì nhìn món ăn sẽ không thấy ngon, sẽ dễ bỏ không đặt hàng cho dù đã vào site để đặt món ăn. Còn nếu mình đặt đồ ăn vào lúc 12h thì e rằng cỡ 12h45′ mình mới được ăn. Lúc ấy có thể đã qua cơn đói, có thể các bạn khác đi ăn (vào lúc 12h) đã quay trở về no phè phỡn … Huhm, thời đại online mà cuối cùng lại chậm hơn offline thì ai chịu được?
- Gia vị của tôi đâu, trời ơi! Món ăn Việt Nam/châu Á ngon nhất là gia vị. Mình biết có những đầu bếp phương Tây coi việc xin thêm gia vị để bỏ vào món ăn là một điều sỉ nhục đối với họ. Haiz, món ăn Việt Nam không phải vậy. Thêm chút ớt, chút chanh, chút rau thơm, chút này chút kia gia giảm mới ra được đúng món ăn mà mình thích. Tất cả những điều này có thể sẽ phải hy sinh nếu mình gọi món ăn qua mạng. Lúc ấy chả lẽ lại chat với nhà hàng bảo anh mang cho em ít ớt, em tạm dừng ăn … 30 phút để chờ anh?
- Cô phục vụ dễ thương đâu rồi? Ông đầu bếp tận tâm đâu rồi? Có những giai đoạn, chúng tôi cứ đi nhậu là lại ra 138 VVT, chẳng phải bởi ở đó có đồ ăn ngon (mặc dù món gà 4 món ăn cũng ok) mà chỉ đơn giản là có một em PG quá dễ thương và ngoan ngoãn. Đi ăn ở các nhà hàng (bình dân tới sang trọng), thi thoảng đầu bếp chạy te te ra hỏi mày ăn có ngon không, món này mới tao đang thử làm đấy mày có dám thử không cũng vui lắm. Đặt đồ ăn qua mạng thì thôi coi như giải tán hết chỗ này.
- Middleman, middleman, we want to eliminate the middleman, right? Không biết dịch từ middle man sao nhưng môi trường Internet đã giúp chúng ta làm được một việc rất hay là “eliminate the middleman”. Mọi người có thể contact trực tiếp với nhau, khách hàng có thể tự order, tự đóng góp ý kiến của mình cho người bán hàng. Với những dịch vụ kiểu này, một lớp middleman khác lại mọc lên. Ở đâu có middleman, ở đó giá sẽ tăng (hoặc chất lượng/số lượng hàng sẽ giảm). Mình có thử so sánh giá của Sarpinos Pizza trên trang web của chính họ và trên các trang web đặt hàng qua mạng thì thấy có chênh lệch về giá (không nhiều, dưới 10% nhưng có). Vậy mình vừa phải trả thêm tiền để mua đồ ăn, vừa phải trả thêm tiền để đi tập thể dục/chữa bệnh vì quá lười do không chịu đi ra ngoài ăn uống, mình có nên không nhỉ?
3.Khó tính quá nhỉ? Đầy những con số cho thấy mọi người cách này hay cách khác đang bắt đầu rục rịch mua thực phẩm qua Internet cơ mà? Đành rằng sẽ có nhiều vấn đề về logistic, nhiều vấn đề về việc không có hàng, không phục vụ kịp hàng nhưng chất lượng sản phẩm/dịch vụ sẽ được nâng lên hàng ngày cơ mà?
Không phải người làm sản phẩm, cũng không phải là người có kinh nghiệm gì về e-commerce, tuy vậy cứ nhắm mắt mà phán bừa thì mình nghĩ rằng nắm được database khách hàng, được họ order một hai lần, có doanh thu tăng (khi bắt đầu từ số 0 hoặc một con số nhỏ) chưa phải điều đảm bảo cho sự thành công. Nếu mình là một người làm sản phẩm liên quan tới Online Food Delivery, mình sẽ thử nghĩ theo một số hướng sau :
- Giải quyết triệt để vấn đề về sức khỏe : có thể đơn giản bắt đầu từ việc … in bài tập thể dục lên trên bao bì, kêu gọi mọi người sau khi ăn nếu tự mình đi tới quán để mua đồ sẽ được giảm giá, làm sẵn các menu tốt cho sức khỏe (cho các quý ông mệt mỏi, các quý bà nhăn nheo, các quý cô cáu kỉnh … ở văn phòng) … Aggressive hơn thì clone hẳn mô hình của Medical Foods Inc., bán thực phẩm để chữa bệnh với mục tiêu là “make clinically proven products that taste good.” – dịch nôm thì là uống thuốc dễ như ăn … pizza ^^. Kinh hơn nữa thì là có đầu bếp riêng nấu dựa trên tình hình sức khỏe như Food Matters.
- Kết hợp giữa online và offline : Nếu mình ngồi một chỗ order đồ qua mạng, quang cảnh ăn uống duy nhất của mình là 4 bức tường trắng, đối diện với mình duy nhất là cái máy tính. Nếu mình đi ra ngoài, mình có thể đi ăn với nhiều người, ngồi ở nhiều quán khác nhau. Vậy tại sao mình không order sẵn đồ ở nhà, chạy qua quán thì đã có đồ để ăn? Nghe không thuyết phục lắm nhỉ? Thế chẳng qua là mô hình đặt chỗ online. Vậy mình có thể suy nghĩ tới chuyện nếu đã đi ăn một món ăn nào đó ngon tại quán, giờ muốn đặt hàng món ăn đó qua mạng cho trưa thứ 6 mình phải họp cả ngày ở công ty thì sao? Rồi giả sử ngồi ở Highland mà lại muốn ăn sushi ở Tokyo Deli thì phải làm sao?
- Dịch vụ đi kèm : Nói đùa chứ order đồ ăn xong mà order được cả người massage hoặc xoa bụng online thì tốt quá. Mấy thứ đó chắc chưa order được nhưng VC Corp có thể cung cấp một thứ trong eco-system của mình : film online. Bạn xem phim sến phải hun? Làm tí pizza có hành tây khóc cho máu nhé. Bạn xem phim hành động phải hun? Làm thêm tí thực phẩm cay cay nhỉ? Hay giờ bạn khoái món này quá phải không? Có muốn học nấu ăn (để nấu được món này và các món tương tự) với giá đã giảm 30% không? Thôi thì nếu tiện lợi như thế, mình cũng có thể sẽ suy nghĩ mà bỏ qua việc … bụng to lên hàng ngày do ngồi ăn tại chỗ.
- Gamification : Gamification có thể áp dụng được cả đối với nhà hàng (bán đồ ăn trực tiếp) và các site bán đồ ăn qua mạng (middleman). Hình thái đơn giản nhất của Gamification thì đã được áp dụng khá tốt thông qua hệ thống thẻ tích điểm rồi, giờ tại sao không phát triển và synchronise giữa online/offline với nhau nhỉ? Thậm chí giai đoạn đầu, cứ bê y nguyên hệ thống badge của Foursquare vào thì cũng đã có khối trò để làm. Gamification cũng chính là cách để kết nối tốt hơn các app trên MXH, trên mobile với nhau.
- Trưa nay ăn gì? Cái khó cho việc trả lời câu hỏi “Trưa nay ăn gì” là việc người ta không thực sự biết mình muốn ăn gì để tìm kiếm. Với cách thức tổ chức kiểu tìm kiếm hiện nay (ví dụ tìm các quán ăn Pizza tại quận Phú Nhuận) có thể sẽ làm cho người ta thêm mệt mỏi hơn vì tôi đang không biết ăn gì thì đương nhiên làm sao tôi trả lời được câu hỏi “Bạn muốn ăn gì” của các website order đồ ăn được? Social Recommendation có thể là một lời giải tốt và cũng có thể là một lời giải tồi nếu như các bạn của bạn trên Social rất giỏi về các lĩnh vực khác nhưng taste về đồ ăn thì lại rất tệ. Lúc đó, personalised sẽ là feature cực quan trọng (và khó, đương nhiên rồi :-s)
4.Dông dài thì trưa nay không ăn gì vì đang bị đầy bụng chẳng muốn ăn gì nên mới ngồi viết blog. Giải quyết sự lười thường là sẽ không đủ thuyết phục (nhất là với người VN nhiều thời gian) nếu bắt người sử dụng phải hy sinh quá nhiều thứ. Hy vọng sẽ được nhìn thấy rõ lời giải hơn trong tương lai thông qua sự phát triển của các website đặt đồ ăn trên mạng tại VN, giờ thì cứ đi bộ đi ăn cho lành.
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét