Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Báo chí thời kỹ thuật số

Báo chí thời kỹ thuật số

Làng báo in đang suy sụp vì doanh thu quảng cáo sụt giảm cùng với đà sụt giảm lượng phát hành. Cả một ngành đang loay hoay tìm lối thoát và cùng lúc, sự xuất hiện của các thiết bị đọc sách báo điện tử (ebook reader) đang gợi ra những giải pháp mới.

Chuyện ở nước khác

Một nhà báo đã cất công tính toán và kết luận, tờ New York Times sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn nếu mua thiết bị đọc sách báo của Amazon, chiếc Kindle, rồi phát không cho độc giả để họ nhận báo qua đường wireless thay vì nhận bản in. Nói cách khác, chi phí in và giao tờ New York Times một năm cho một người đặt mua dài hạn đắt gấp đôi chi phí mua một máy Kindle tặng không cho khách hàng.

Tính toán cụ thể, nhà báo này cho biết chi phí in ấn và phát hành của New York Times mỗi năm chừng 644 triệu đô-la. Tờ báo này có chừng 830.000 độc giả dài hạn từng đặt mua báo trên hai năm. Mỗi chiếc Kindle giá 359 đô-la, tính ra mua Kindle tặng hết cho từng ấy người cũng chỉ tốn 297 triệu đô-la mà thôi.

Dĩ nhiên đây là chuyện “trà dư tửu hậu” vì đâu phải ai cũng thích đọc báo trên Kindle; New York Times cũng phải in và vận chuyển báo đến tay bạn đọc mua tại quầy; trên Kindle chưa chạy được quảng cáo – nguồn thu quan trọng nhất của ngành báo in. Điều nhà báo này muốn chứng minh là việc in ấn rồi chuyển tải tờ báo đến tay bạn đọc hiện đang trải qua nhiều thay đổi – công nghệ đã có sẵn – vấn đề là ngành báo chí liệu có nắm được cơ hội này để tìm ra một mô hình kinh doanh phù hợp.

Thật ra, đã có một vài tờ báo ở Mỹ đang thử nghiệm mô hình mới. Các tờ Washington Post, New York TimesBoston Globe chào mời các độc giả ở những vùng mà mạng lưới phát hành không vươn đến kịp thời được mua Kindle giảm giá nếu đồng ý đặt mua báo dài hạn. Không rõ mức giảm giá là bao nhiêu nhưng nhiều tờ báo khác đang thương lượng với Amazon và các hãng sản xuất ebook reader khác để thu hút độc giả theo cách tương tự như tờ Los Angeles Times.

Trong bối cảnh đó, chiếc iPad mà hãng Apple vừa giới thiệu, dù bị giới công nghệ chê bai đủ kiểu, lại được giới làm báo kỳ vọng sẽ thay đổi tình hình kinh doanh như iPod đã thay đổi mô hình kinh doanh nhạc số. Hiện nay Amazon đã có phần mềm Kindle dùng cho iPhone và iPod Touch và nhiều người dùng hai loại thiết bị này đã sử dụng gói phần mềm này để đọc sách từ Amazon. iPad như một chiếc iPod Touch ngoại cỡ sẽ hấp dẫn loại người đọc này vì màn hình lớn, điều khiển dễ dàng, mang xách gọn nhẹ. Một yếu tố nữa mà nhiều người kỳ vọng Kindle hay iPad có thể thúc đẩy sự chuyển biến trong ngành phát hành báo chí là chuyện môi trường. Thử tưởng tượng khối lượng gỗ, mực in, xăng dầu sẽ tiết kiệm được nếu ngành báo bỏ qua công đoạn in ấn, vận chuyển để đưa nội dung báo đến tay người đọc qua mạng không dây. Kindle, iPad sẽ thúc đẩy sự ra đời hàng loạt thiết bị ebook reader trong thời gian tới với giá ngày càng rẻ, chức năng ngày càng tinh vi – chắc chắn hướng phát hành sách báo qua con đường này sẽ ngày càng được khẳng định.

Tuy nhiên đây không phải là con đường dễ dàng. Theo tính toán lạc quan nhất, ebook readers sẽ tạo ra một doanh thu chừng 325 triệu đô-la mỗi năm trong những năm sắp tới, cộng thêm chừng 150 triệu đô-la doanh thu từ quảng cáo. Và các bạn có biết doanh thu ngành báo chí Mỹ năm rồi sụt giảm bao nhiêu không? 10 tỷ đô-la! Sự chênh lệch giữa hai con số này cho thấy ebook reader, dù phát triển vượt bậc trong những năm tới, cũng chưa phải là vị cứu tinh cho ngành báo.

Một con đường khác mà nhiều báo đang cân nhắc là tính phí cho độc giả đọc qua mạng. Người ta nhận thấy dù lượng báo in sụt giảm, lượng người đọc báo qua mạng ngày càng tăng. Tuy nhiên, quảng cáo đi kèm với nội dung lại không tăng như mong muốn nên đa phần các ấn bản điện tử của các tờ báo lớn vẫn lỗ như nhiều năm trước đây. Tính phí độc giả trực tuyến là giải pháp phải tính đến. Ngày 20-1-2010, New York Times tuyên bố sẽ tính phí với những ai muốn đọc báo của họ trên Internet. Đây chỉ mới là tuyên bố ý định còn kế hoạch triển khai như thế nào thì chưa định hình – thậm chí mốc thời gian triển khai được kéo lùi đến năm 2011. Về nguyên tắc, độc giả mua báo dài hạn được đọc báo trên mạng miễn phí hoàn toàn, kể cả người chỉ đặt mua ấn bản cuối tuần; độc giả bình thường được vào đọc một số bài nhất định, vượt quá số bài đó, thì họ phải trả tiền. Thật ra, New York Times từng áp dụng chuyện tính phí như thế trong quá khứ. Năm 2005, tờ báo này đưa ra dịch vụ TimesSelect, với mức phí 7,95 đô-la/tháng, độc giả có thể đọc những bài báo mà người không đăng ký không truy cập được. Phí nguyên năm là 49,95 đô-la. Sau hai năm cung ứng dịch vụ này, mặc dù có cả triệu người đăng ký, New York Times tuyên bố hủy bỏ dịch vụ nhằm thu hút thêm người đọc và kỳ vọng tăng thêm doanh thu quảng cáo trực tuyến.

Chuyện làng báo Việt Nam

Ở Việt Nam, xu hướng chuyển từ đọc báo in sang đọc báo mạng cũng đang xảy ra dù tình hình chưa đến nỗi khốc liệt như ở một số nước khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xu hướng này sẽ dẫn đến những hệ lụy quan trọng mà nếu ngành báo in không giải quyết được ngay bây giờ thì sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải hơn các nước khác.

Đầu tiên là chuyện bản quyền. Báo chí nước ngoài có thể toan tính khả năng bắt người đọc báo mạng trả tiền nhưng báo chí điện tử trong nước thì chịu – bởi một bài báo hay đăng ở một trang nào đó sẽ nhanh chóng bị hàng chục trang khác, cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Giả thử một tờ báo quyết định khóa chừng một nửa nội dung đặc sắc của mình, chỉ cho người đọc có trả phí truy cập nhưng một website tổng hợp thông tin, bỏ ít tiền để vào đọc và “cắt dán” thì mô hình tính tiền qua mạng của tờ báo kia sẽ bị sụp đổ.

Những năm trước khi nhiều người lên tiếng phê phán cách làm sao chép nguyên xi các bài báo của nhau ở nhiều trang tin điện tử, hiện tượng này đã gần như chấm dứt ở các trang tin đàng hoàng, nghiêm túc nhưng vẫn còn tràn lan ở các trang tin nhỏ hay loại trang chuyên đăng tin giật gân câu khách. Chúng ta phải có những chiến dịch mạnh tay ngăn chận chuyện này – nếu không sau này sự sụp đổ của báo chí ở nước ta về mặt tài chính sẽ còn nhanh hơn ở Mỹ. Và có lẽ bây giờ chúng ta mới hiểu vì sao giới đầu tư phương Tây đến đâu cũng đặt nặng vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đến thế. Không bảo vệ được bản quyền tin bài trên mạng, chúng ta sẽ không thể tiến hành các giải pháp mà thế giới đang thử nghiệm.

Thứ hai là sự thay đổi thói quen ở người đọc. Theo khảo sát quy mô nhỏ ở một số loại độc giả, một tỷ lệ rất lớn người đọc cho biết họ vẫn ưa chuộng đọc báo in hơn là đọc báo trên mạng nhưng sự xuất hiện và phổ biến của báo mạng làm họ thay đổi cách mua báo. Nếu trước đây họ mua nhiều tờ thì nay chỉ chọn một tờ họ thích nhất để đọc kỹ; còn lại sẽ bổ sung những đề tài khác, những tin khác bằng thông tin từ báo mạng. So với các nước đang phát triển khác, sự phổ biến của mạng Internet ở Việt Nam là nhanh hơn nhiều nước khác. Mối liên hệ với cộng đồng người Việt ở nước ngoài khiến người trong nước từ lâu đã tiếp cận và sử dụng Internet nhanh hơn nhiều nước khác – đầu tiên là email, rồi đến chat và sau đó là đọc tin tức. Cho nên tác động của báo mạng lên báo in ở Việt Nam là có chứ không phải là không đáng kể như nhiều người nghĩ.

Thiết nghĩ những thiết bị như iPad hay Kindle khó lòng phổ biến ở Việt Nam ngoại trừ một số lượng nhỏ những người ham thích công nghệ. Thế nhưng con đường báo mạng đến tay người đọc sẽ dần dần chuyển từ máy tính để bàn sang… điện thoại di động và từ từng địa chỉ báo mạng riêng lẻ sang… những nơi tổng hợp thông tin (một phần là vì sự lỏng lẻo trong việc bảo vệ bản quyền đã nói ở trên). Dự báo trong thời gian tới, các dịch vụ tổng hợp tin tức này sẽ ngày càng đa dạng và sẽ nhắm đến từng nhóm đối tượng người đọc khác nhau. Rõ ràng chúng sẽ đóng vai trò ngược lại với những thông tấn xã trước đây. Phóng viên một báo viết một tin hay – ngay lập tức tin của anh này đăng trên báo của mình sẽ được hiển thị lên các trang tin tổng hợp. Và nơi đây sẽ phân phối lại tin này đến những nhóm độc giả riêng mình. Đây là xu hướng không tránh được vì nó hữu hiệu, nó tiết kiệm công sức thời gian và tiền bạc cho tất cả mọi người liên quan. Vấn đề là có sự thỏa thuận giữa nơi giữ bản quyền và nơi làm dịch vụ cung cấp thông tin.

Phương pháp trả tiền cho việc đọc báo qua mạng (dù bằng máy tính hay bằng điện thoại di động) cũng sẽ khác với các nước. Chuyện dùng thẻ tín dụng để trả tiền mua báo điện tử ở Việt Nam là chuyện xa vời. Ngược lại, khả năng người dùng nhắn một tin, chi phí vài ngàn đồng để được vào đọc một bài báo hay được quyền truy cập một trang tin điệntử cả 1 tháng là rất có thể xảy ra. Việt Nam có thuận lợi hơn các nước là người tiêu dùng đã bước đầu làm quen với chuyện dùng điện thoại di động để trả tiền cho một số dịch vụ. Thử hỏi nếu người ta sẵn sàng nhắn một tin tốn 3.000 để đọc vài lời đoán số tử vi vớ vẩn, tại sao không thể kỳ vọng họ cũng sẽ nhắn tin, lấy mã số để vào trang web bị khóa để đọc tin hay bài họ đang quan tâm.

Tóm lại, người dân vẫn cần tin tức, vẫn muốn đọc báo, xã hội vẫn cần những nhà báo chuyên nghiệp thay mặt họ đi săn lùng tin tức và cho họ biết chuyện gì đang xảy ra. Thế nhưng vì Internet giúp họ những công cụ tìm kiếm thông tin nhanh hơn, vì có những trang web tổng hợp tin tức tốt hơn, độc giả đang bắt đầu giảm lượng báo in, thay vì mua nhiều tờ nay chỉ một hai tờ; trước mua một hai tờ nay chỉ lên mạng đọc… cũng những tờ đó. Vấn đề ở chỗ, làm sao để làng báo tìm ra mô hình tạo ra được doanh thu từ báo mạng để bù đắp chi phí và tiếp tục duy trì hai loại báo in và báo điện tử song song trong nhiều năm tới.

Xem đầy đủ bài viết tại http://nguyenvanphu.blogspot.com/2010/03/bao-chi-thoi-ky-thuat-so.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến