Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010

Nhượng quyền thương mại

Trong khuôn khổ dự án Luật Thương mại (sửa đổi), Bộ Thương mại đang tiến hành nhiều hội thảo, hội nghị để bàn về việc luật hoá khái niệm nhượng quyền thương mại.


Nhượng quyền thương mại (franchising), nói một cách đơn giản, là một bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được sử dụng một hệ thống kinh doanh đã được bên nhượng quyền thực hiện thành công bao gồm cả phương thức kinh doanh, nhãn hiệu thương mại, biểu tượng thương mại… để hoạt động một cơ sở kinh doanh của bên nhận quyền.


Trên thế giới hiện nay có đến trên 5.000 hệ thống nhượng quyền với hàng triệu cơ sở kinh doanh đang hoạt động. Riêng hệ thống nhượng quyền bán bánh hamburger và khoai tây chiên McDonald đã có khoảng 30.000 cơ sở kinh doanh khắp nơi trên thế giới.


Phương thức lợi cho cả hai bên


Ở Việt Nam, mặc dù khái niệm này chưa được luật hoá, nhưng trên thực tế cũng đã phát triển nhiều như chè Lipton, chè Qualitea và gần đây nhất là cà phê Trung Nguyên được phát triển rộng rãi. Tại sao hình thức nhượng quyền thương mại lại được phát triển mạnh mẽ như vậy?


Nói ngắn gọn, bởi đây là một phương thức kinh doanh “đôi bên cùng có lợi”, cho cả hai bên nhượng quyền và nhận quyền. Bên nhượng quyền được hưởng tiền phí nhượng quyền thông qua việc bán quyền thương mại cho bên nhận quyền. Ngoài ra, một lợi ích lớn hơn về mặt vĩ mô cho bên nhượng quyền là thực hiện được việc nhân bản, quảng bá, phát triển hình thức kinh doanh của mình nhưng lại bằng vốn, công sức và rủi ro của bên nhận quyền.


Đối với bên nhận quyền, phương thức kinh doanh này cũng rất có lợi, bởi vì bên nhận quyền, với số tiền đầu tư của mình, có ngay được một cơ sở kinh doanh có “hồn” sẵn, mà không phải bắt đầu từ đầu. Ngay lập tức có được phương thức kinh doanh, có được mô hình kinh doanh, bí quyết kinh doanh mà không phải mất công mò mẫm để tự phát triển.


Ngay trong một vài tháng đầu đã có thể có lợi nhuận ngay, trong khi nếu tự lập cơ sở kinh doanh với phương thức, nhãn hiệu của riêng mình thì không biết bao giờ mới có thể có lợi nhuận.


Những tình huống có thể xảy ra trên thương trường


Tất nhiên, cũng như tất cả mọi hình thức khác, nhượng quyền thương mại, ngoài những cái “được”, cũng có những cái “mất”. Bên nhượng quyền trao quyền cho một bên khác để thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, đương nhiên cũng phải chịu rủi ro khi bên nhận quyền thực hiện không đúng các ý tưởng này, khiến công việc kinh doanh bị đổ bể, gây ấn tượng xấu cho hệ thống kinh doanh của mình; đồng thời làm giảm giá trị thương hiệu cũng như công việc kinh doanh của mình.


Ngược lại, bên nhận quyền phải thực hiện hệ thống kinh doanh của bên nhượng quyền một cách cứng nhắc, không thể được tự tiện thêm bớt ý tưởng của riêng mình vào trong cơ sở kinh doanh. Bởi vì một đặc điểm trong các hệ thống nhượng quyền thương mại là các cơ sở kinh doanh phải hoàn toàn giống nhau để khách hàng vào bất cứ cơ sở, cửa hàng nào cũng đều cảm thấy thoải mái, dễ dàng như vào các cơ sở, cửa hàng khác trong hệ thống đó. Điều này nhiều khi hạn chế tính sáng tạo trong công việc kinh doanh, hạn chế chính công việc, hiệu quả kinh doanh của bên nhượng quyền.


Chính vì thế, theo lời Giáo sư Andrew Terry, trường Đại học New South Wales – Australia: “Nhượng quyền tốt thì thật tốt, xấu thì thật xấu”. Đã có rất nhiều cơ sở kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại bị đổ bể, dẫn tới sự đổ bể cả chuỗi các cơ sở kinh doanh khác. Nhiều khi chỉ cần một bên nhận quyền làm ăn không tốt, khiến cho hàng loạt các cơ sở nhận quyền khác bị ảnh hưởng vì “con sâu làm rầu nồi canh”.


Ngoài ra, cũng có rất nhiều bên nhượng quyền muốn lợi dụng vị trí “bề trên” của mình để áp đặt, o ép các bên nhận quyền, khiến cho các bên nhận quyền phải chịu áp dụng những quy tắc hoàn toàn phi lý và cuối cùng dẫn đến toàn bộ hệ thống bị đổ bể. Điều này khiến cho các nhà kinh doanh cũng như các nhà lập pháp phải thật cẩn trọng khi thực hiện cũng như điều tiết hình thức kinh doanh này.


Làm gì để tránh mang lại những hậu quả?


Trước hết, bên nhận quyền, trước khi tham gia vào hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại, cần tìm hiểu kỹ lưỡng xem đây có phải là một hình thức kinh doanh có thể thành công trong trường hợp của bên nhận quyền hay không. Chỉ vì phương thức kinh doanh của bên nhượng quyền đã thành công trong một vài cơ sở chưa chắc sẽ thành công trong điều kiện môi trường, khả năng của bên nhận quyền.


Bởi vì thông thường, số vốn bỏ ra đầu tư vào một cơ sở nhượng quyền thương mại là khá lớn so với việc tự lập cơ sở kinh doanh riêng, vì nếu tự lập cơ sở kinh doanh riêng thì có thể “liệu cơm gắp mắm”, nhưng đã vào trong một hệ thống nhượng quyền thương mại, thì phải tuân thủ những ý tưởng đã được định sẵn. Vì thế, nếu không cẩn thận rủi ro sẽ là tương đối cao.


Thứ hai, nhiều hợp đồng nhượng quyền thương mại yêu cầu bên nhận quyền phải trả một khoản phí nhượng quyền cố định, kể cả khi hoạt động kinh doanh không có lãi. Điều này bên nhận quyền phải cân nhắc kỹ, liệu khả năng tài chính dự phòng của mình có đủ để đáp ứng nghĩa vụ này không.


Thứ ba, nhiều hợp đồng nhượng quyền thương mại trao quyền rất lớn cho bên nhượng quyền trong việc chấm dứt hoặc gia hạn hợp đồng. Bên nhận quyền nên nghiên cứu, đàm phán kỹ những điều khoản này bởi vì bên nhượng quyền có thể lợi dụng những điều khoản này để chấm dứt hoặc không gia hạn hợp đồng cho bên nhận quyền, gây thiệt thòi, bất lợi cho bên nhận quyền.


Thứ tư, nếu bên nhận quyền là một thương gia có tính sáng tạo, thích những ý tưởng của riêng mình, thì có lẽ việc tham gia vào một hệ thống nhượng quyền thương mại là không hợp lý lắm bởi vì đã vào hệ thống này thị bên nhận quyền phải liên tục chấp hành “mệnh lệnh” của bên nhượng quyền, kể cả những “mệnh lệnh” mà bên nhận quyền cho là bất hợp lý.


Thứ năm, một hệ thống nhượng quyền thương mại tốt phải có sự tương tác giữa bên nhận quyền và bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền nên có những hình thức liên tục đào tạo, hỗ trợ, tư vấn cho bên nhận quyền và các bên nhận quyền nên có cơ hội được phản ánh, đóng góp ý kiến cho bên nhượng quyền. Nếu quan hệ mang tính chất quá “một chiều”, thì cả bên nhượng quyền và các bên nhận quyền cũng cần cân nhắc lại.


Thứ sáu, bên nhận quyền nên kiểm tra kỹ lưỡng động cơ nhượng quyền của bên nhượng quyền, tránh trường hợp bên nhượng quyền chỉ muốn khoản tiền phí trước mắt của bên nhận quyền mà không quan tâm đến lợi ích lâu dài của bên nhận quyền và hệ thống kinh doanh nói chung.


Thứ bảy, bên nhượng quyền cũng nên lựa chọn các bên nhận quyền một cách cẩn thận. Một bên nhận quyền làm ăn không tốt có thể gây tổn hại rất lớn cho bên nhượng quyền và rộng hơn là cho cả hệ thống. Sự thành công của bên nhận quyền cũng chính là sự thành công của bên nhượng quyền.


Thứ tám, các bên nhượng quyền hay yêu cầu các bên nhận quyền đóng góp lập các quỹ chung như quỹ quảng cáo, quỹ khuyến mại. Việc sử dụng tiền từ các quỹ này phải thật sự minh bạch, không nên gây mất lòng tin của các bên nhận quyền từ việc sử dụng những quỹ này.


Cuối cùng, các nhà lập pháp nên tạo một cơ chế để các bên nhượng quyền cung cấp thật đầy đủ thông tin cho các bên nhận quyền có thể có một quyết định đúng đắn và có trách nhiệm, tránh các rủi ro có thể xảy ra với các bên như nêu trên.


(Theo VNEconomy)


Xem đầy đủ bài viết tại http://vietiep.wordpress.com/2007/08/05/nh%c6%b0%e1%bb%a3ng-quy%e1%bb%81n-th%c6%b0%c6%a1ng-m%e1%ba%a1i

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến