Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

BBC và một case study cho nghề báo

BBC và một case study cho nghề báo

Tôi có ước muốn biên soạn một cuốn sổ tay làm báo, ghi lại kinh nghiệm của mình và đồng nghiệp nhưng chưa thể thu xếp thời gian để thực hiện. Thế nhưng nếu có viết, chắc chắn vụ việc BBC (Ban tiếng Việt) xử lý bài của tác giả Đỗ Ngọc Bích sẽ là một trường hợp nghiên cứu (case study) thú vị và bổ ích. Bổ ích vì nó có thể là bài học cho người làm báo - lý thuyết nói ra thì dễ nhưng thực hành cho nhất quán lại khó nên phải tự mình nhắc nhở mình cố gắng làm cho đúng nguyên tắc.

Cái sai đầu tiên của BBC là thiếu kiểm chứng đầy đủ. Một tờ báo lúc nào nhận bài của cộng tác viên, nhất là cộng tác viên mà tên tuổi đã quen thuộc với công chúng đều phải kiểm chứng xem có đúng là do tác giả gởi hay không, có phải thông tin về tác giả đúng như họ công bố không, mình có hiểu đúng thông tin không. Nếu làm tốt công đoạn này, BBC đã không phạm sai lầm về chuyện Đại học Yale hay Đại học Hawaii at Manoa để sau đó phải cáo lỗi độc giả. Không rõ quy trình kiểm chứng của BBC hỏng ở khâu nào. (Xin mở ngoặc nói thêm, điều thú vị là nhiều cộng tác viên gởi bài lại yêu cầu không ghi cụm từ “tiến sĩ” trước tên của họ, nhiều người cẩn thận dặn không được ghi nơi họ đang công tác vì họ viết với tư cách cá nhân).

Thứ nhì, bất kỳ điều gì đăng lên báo thì người biên tập phải hiểu, không hiểu thì phải hỏi cho rõ chứ không biên tập ẩu. Ví dụ thấy ghi Ph.D (ABD) phải hiểu là “còn chút xíu nữa mới là tiến sĩ”. Tôi nghĩ ở đây BBC đã mắc lỗi diễn dịch sai chứ không phải lỗi của tác giả còn tác giả sử dụng cái danh xưng Ph.D (ABD) nghe có kỳ cục hay không là chuyện khác.

Thứ ba, bài của cộng tác viên viết mang tính phê phán một nhân vật thứ ba thì càng phải kiểm chứng với các nguồn liên quan trước khi đăng. Giả thử có ông A viết bài sỉ nhục ông B mà tòa soạn lập luận cứ đăng trong phần diễn đàn rồi thêm câu “đây là quan điểm của người viết, không phải của chúng tôi” để giải trừ trách nhiệm là không ổn. Bài viết đang đề cập liên quan đến cả một dân tộc nên cần phải kiểm chứng hay chính xác hơn là phải tham vấn ý kiến các chuyên gia trong lãnh vực đó để nhờ họ thẩm định trước khi đăng tải. Phải thẩm định là vì nhiều ý trong bài mang tính khẳng định như là facts chứ không phải là opinion – khi facts bị sai thì nơi đăng tải phải liên đới chịu trách nhiệm.

Cái sai thứ tư của BBC là không tôn trọng nguyên tắc xử lý bài mang tính gây tranh cãi. Ví dụ, có một ai đó gởi tới New York Times một bài nói rằng vụ khủng bố ngày 11/9 là không có thật, chắc chắn tờ báo này sẽ không đăng. Nếu bài lập luận vụ 11/9 là do âm mưu của chính phủ Mỹ, họ cũng sẽ không đăng nếu lập luận không có bằng chứng gì đi kèm mang tính thuyết phục. Giả thử có ai gởi tới một tờ báo của Israel nói rằng vụ tàn sát người Do Thái là chuyện tưởng tượng, làm sao tờ báo này chịu đăng. Là tờ báo của một nước thứ ba, BBC càng phải thận trọng trong việc này.

Từ đó mới thấy cái sai thứ năm của BBC là thiếu tính mục đích trong xử lý bài vở. Báo chí phương Tây rất tự do trong đưa tin, điều đó đã rõ nhưng tự do không có nghĩa tờ báo không có chủ kiến. Dù gọi là chủ kiến, chủ đích hay “tôn chỉ mục đích”, nó là định hướng cho tờ báo để hành xử trong công việc hàng ngày. Phương châm (motto) của BBC là “Nation shall speak peace unto Nation” (đại ý nhấn mạnh mục đích khuếch trương hòa bình giữa các quốc gia). Bây giờ nhìn lại cái phương châm này, không biết Ban tiếng Việt của BBC có chột dạ không nhỉ. BBC là đài của Anh, tự nhiên đăng bài của một người khẳng định “Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc” thì sao gọi là khuếch trương hòa bình được nhỉ. Mục đích của việc đăng một bài như thế là gì, nhìn ở góc độ nghề nghiệp, tôi không thể nào hiểu nổi.

Còn nhiều cái sai nữa như cách đính chính trên báo điện tử, cách đính chính cho trọn vẹn, cách biên tập, cách xử lý bài phản hồi… nhưng như tôi đã nói ở đầu bài, đây là những lỗi ai cũng có thể mắc phải (có người viết bài này trong số đó). Vấn đề là rút ra bài học để sau này khỏi sai và trước mắt để xử lý cái sai của mình cho nghiêm túc và có thiện ý để lấy lại uy tín cho mình.

Xem đầy đủ bài viết tại http://nguyenvanphu.blogspot.com/2010/04/bbc-va-mot-case-study-cho-nghe-bao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến