Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Nhiễu thông tin

Nhiễu thông tin

Một khi xảy ra tình trạng nhiễu thông tin, việc trước tiên cần làm là xem lại nguồn tin gốc.

Cuối tuần trước Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho đăng tải trên website của mình tin “Dừng cung cấp thông tin liên quan khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu”. Nội dung tin cho biết, ngày 30-3-2010, NHNN có văn bản gởi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đề nghị dừng cung cấp thông tin liên quan khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ngay sau đó, một số trang tin ở nước ngoài bình luận theo hướng NHNN từ chối nhận thông tin với ý muốn che giấu thông tin, rằng NHNN không muốn nhận những dự báo gây nhiễu như một dự báo của một ngân hàng nước ngoài về việc lãi suất cơ bản ắt phải tăng trong thời gian tới…

Làm gì có chuyện đó! Nguyên do là vào tháng 9-2008, NHNN có đề nghị các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cung cấp các thông tin về diễn biến cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới. Tần suất cung cấp thông tin là trước 11g30 thứ Sáu hằng tuần, bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Đây là một gánh nặng sự vụ hành chính nên khi tình hình kinh tế thế giới ổn định, NHNN ắt phải dừng yêu cầu nói trên mà nghe đâu các ngân hàng nước ngoài đã thực hiện tốt.

Còn chuyện các ngân hàng thường có các báo cáo phân tích, dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam là do họ thực hiện cho khách hàng của họ, không liên quan gì đến yêu cầu nói trên. NHNN có hay không có yêu cầu, họ vẫn sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho khách hàng, chủ yếu là các quỹ đầu tư. Chuyện các báo cáo này được tung ra bên ngoài là chuyện khác nữa.

Rõ ràng một chủ trương bình thường nhưng thông tin không khéo hóa ra phản tác dụng, gây nhiễu thông tin.

* * *

Một thông tin khác mới nhìn qua, có vẻ như bị nhiễu nhưng thật ra là do chưa làm đúng nguyên tắc. Cuối tuần trước, các báo đưa tin Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thôi kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và đã bàn giao công việc lãnh đạo bộ cho Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận và các thứ trưởng khác.

Sau đó cũng có báo đăng tin, rằng Văn phòng Chính phủ cho biết họ chưa nhận được thông tin chính thức về việc Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo.

Theo nguyên tắc, Quốc hội là nơi phê chuẩn việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm chức danh bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng. Khi nào Quốc hội chưa họp, chưa bỏ phiếu thì ông Nhân vẫn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về mọi mặt cho nền giáo dục nước nhà. Chẳng hạn, nếu trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội bàn đến báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đối với giáo dục đại học mà Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục thì ông Nhân phải ra giải trình với tư cách là bộ trưởng. Việc phân công cho các thứ trưởng, kể cả Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận chỉ là công việc nội bộ, tạm thời, không thể mang tính chính thức.

* * *

Chuyện nhiễu thông tin sau cùng được đề cập ở đây liên quan đến “dự án Gởi tới mai sau”. Đầu tiên là phản ứng không đồng tình của nhiều nhà văn hóa về dự án lựa chọn 1.000 vật phẩm tiêu biểu có giá trị đặc trưng cho mỗi địa phương và cả nước, bỏ vào trong thiết bị lưu giữ, chôn xuống lòng đất để gửi tới các thế hệ mai sau. Tuần trước, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định không thực hiện dự án này mà ông cho chỉ là ý tưởng của cá nhân sau khi phê bình Sở Văn hóa-Du lịch-Thể thao Hà Nội triển khai dự án khi chưa có sự phê duyệt của thành phố.

Thế nhưng ban tổ chức dự án cãi lại, họ thực hiện dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở pháp lý của dự án là các quyết định của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long ký phê duyệt Đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010.

Cái này thì thật sự là nhiễu thông tin. Ở đây chúng ta không bàn đến việc dự án “Gởi tới mai sau” có ý nghĩa hay chỉ là chuyện vô bổ mà chỉ bàn đến khía cạnh phát ra thông tin từ chính quyền. Nếu dự án chính thức nằm trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội thì chính quyền Hà Nội phải biết chứ không thể cho đó là ý tưởng cá nhân hay dự án chưa có sự phê duyệt. Ngược lại, ban tổ chức dự án nếu cho rằng quy trình thực hiện và đề cương dự án đã được phê duyệt từ bốn năm trước thì phải chứng minh bằng giấy tờ và phải cho biết vì sao bốn năm qua không triển khai gì cả. Một thành phần nhỏ trong chương trình kỷ niệm mà đã nhiễu thông tin như vậy thì thật khó lòng yên tâm khi triển khai hàng chục dự án lớn khác.

Xem đầy đủ bài viết tại http://nguyenvanphu.blogspot.com/2010/04/nhieu-thong-tin.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến