Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Hai hãng hàng không tranh nhau thương hiệu VietAir


Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu VietAir, trong khi Vietnam Airlines lại được Thủ tướng đồng ý cho thành lập hãng hàng không với tên tương tự – Viet Air (có dấu cách).


Đầu tháng 3, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký quyết định cho phép Hãng Hàng không Quốc gia VN (Vietnam Airlines) thành lập Công ty cổ phần Hàng không Viet Air trên cơ sở tái cơ cấu Công ty Bay dịch vụ Vasco. Dự án này đang được Vietnam Airlines chỉnh sửa, hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt thì phát sinh sự cố.











Vietnam Airlines đang giữ vị trí anh cả trên thị trường hàng không VN. Ảnh: Hoàng Hà.

Thương hiệu VietAir đã được Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air đăng ký bảo hộ độc quyền. Do vậy, Vietnam Airlines vội gửi đơn tới Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị không cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu VietAir cho phía Vietjet Air.


Cái lý mà Vietnam Airlines đưa ra để phản đối là từ năm 1992 đến nay, hãng đã sử dụng thương hiệu Viet Air trên một số chặng bay quốc tế. Do vậy, xét về góc độ thời gian, Vietnam Airlines đã sử dụng nhãn hiệu Viet Air trước cả khi Công ty cổ phần Vietjet thành lập. Điểm khác duy nhất giữa 2 thương hiệu là, chữ VietAir mà Vietjet xin cấp viết liền còn thương hiệu mà Vietnam Airlines sử dụng viết rời (Viet Air). Tuy nhiên, cách đọc lại giống nhau nên Vietnam Airlines lo ngại người tiêu dùng sẽ nhầm lẫn.


Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, một quan chức Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cho biết nhãn hiệu VietAir chưa cấp cho doanh nghiệp nào cả. Vietjet Air mới nộp đơn xin nhưng cũng chưa được duyệt. Về phía Vietnam Airlines, Cục cũng xem xét hồ sơ trên cơ sở chứng cứ như hãng đã sử dụng thương hiệu Viet Air chưa, bay đi những nước nào… “Hiện tại, tôi khẳng định thương hiệu VietAir trên chưa cấp cho hãng nào cả”, ông nói.


Theo vị quan chức này những chuyện tranh chấp tương tự như thế này vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, Cục sẽ căn cứ vào các yếu tố như đơn vị nào nộp đơn trước, doanh nghiệp nào đang sử dụng và phương hiệu này có rộng rãi, phổ biến hay không… trước khi có kết luận cuối cùng.


Đây là tranh chấp mới nhất trong quan hệ giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air xảy ra. Trước đó, đại gia chiếm thị phần thống lĩnh trên thị trường hàng không nội địa đã có văn bản đề nghị Chính phủ không thông qua thương vụ bán 30% cổ phần của Vietjet Air cho đối tác ngoại Air Asia.


Vietnam Airlines lo ngại một khi AirAsia tham gia với 30% cổ phần trong Vietjet Airlines, thị trường sẽ xáo trộn. Với tiềm lực của mình, AirAsia đã có kế hoạch hợp tác với hãng giá rẻ của Australia – Jetstar thành lập liên minh các hãng hàng không chi phí thấp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có chiến lược mở rộng mạng lưới trong khu vực. Như vậy, việc AirAsia đầu tư vào Vietjet Air thực sự là mối lo với thị trường Việt Nam.


Tuy nhiên, hồi tuần trước, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Chính phủ bày tỏ quan điểm ủng hộ thương vụ mua bán này với lý do Luật Hàng không không cấm Vietjet Air bán 30% cổ phần.


VN hiện có 7 hãng hàng không tham gia trên trục nội địa, gồm 3 hãng đang hoạt động – Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vasco; 4 hãng hàng không tư nhân khác được cấp giấy phép là Vietjet Air, Indochina Airlines, Mekong Aviation và Viet Air. Trong đó, Indochina Airlines đã dừng bay sau một năm cất cánh. Vietjet Air dự kiến thực hiện chuyến bay thương mại vào tháng 5 này. Hai hãng khác là Mekong Aviation và Viet Air chưa có động thái nào cho thấy thời điểm bay.


Hồng Anh



Xem đầy đủ bài viết tại http://vietiep.wordpress.com/2010/04/08/hai-hang-hang-khong-tranh-nhau-th%c6%b0%c6%a1ng-hi%e1%bb%87u-vietair

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến