Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

Chuyên nghiệp và quyền lực

Chuyên nghiệp và quyền lực

Quốc hội lại bước vào kỳ họp mới. Người dân quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước theo dõi các phiên họp để xem các đại biểu của mình lý giải các vấn đề này như thế nào, có đại diện được cho quyền lợi của mình không. Thế nhưng, điểm qua các nội dung lớn của kỳ họp lần này, không khỏi băn khoăn liệu các đại biểu Quốc hội đã được chuẩn bị đầy đủ để đưa ra quyết định chính xác nhất.

Lấy ví dụ, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 6-5 về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, khi có hai luồng ý kiến, một bên đòi hạn chế mỗi cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một bên nói nên giữ nguyên mức như hiện nay là 20%, một đại biểu là lãnh đạo Quốc hội gợi ý nên dung hòa, 10% quá thấp, 20% quá cao thì nên lấy con số 15% là đẹp nhất!

Lẽ ra trong trường hợp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên mời những những bên có liên quan, kể cả chuyên gia độc lập ra trước ủy ban để điều trần. Đại biểu phải đặt cho được những câu hỏi để tìm lời giải đáp: có hay không việc lũng đoạn của các cổ đông tổ chức đối với các ngân hàng, vai trò của tỷ lệ vốn sở hữu trong chuyện lũng đoạn, tình hình thực tế trong những năm qua như thế nào, tỷ lệ 10% thì mức độ lũng đoạn ra sao, 20% sẽ khác gì, 15% có thật sự dung hòa được lợi ích các bên, thông lệ quốc tế trong trường hợp này như thế nào, cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ ra sao…

Không thể trông chờ một đại biểu trong ngành giáo dục thông hiểu mọi điều trong ngành tài chính - ngân hàng hay một đại biểu ngành công đoàn nắm rõ cách thức thu hồi vốn của dự án đường sắt cao tốc… nhưng đại biểu là người thông qua thông tin tiếp nhận được, đối chiếu với lợi ích của người dân mình đại diện, hoàn toàn có thể đưa ra quyết định đúng đắn.

Hàng loạt vấn đề lớn của đất nước đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải được quyền tiếp cận thông tin thì ý kiến của họ mới có ý nghĩa. Với các dự thảo luật, nếu chỉ dựa vào thông tin trong tờ trình của nơi soạn thảo, làm sao đại biểu có cái nhìn khách quan về nhiều vấn đề phức tạp, không dễ hiểu một sớm một chiều. Với các dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, nếu chỉ dựa vào thông tin do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra, chắc ai cũng thuận lòng thông qua dự án 55 tỷ đô-la này.

Quốc hội phải xem việc mời hay triệu tập những bên có liên quan điều trần trước Quốc hội là việc làm bình thường, phải làm thường xuyên, cả điều trần chính thức lẫn cung cấp thông tin không chính thức. Luật đã quy định đại biểu Quốc hội được quyền yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động của mình. Bản thân mỗi đại biểu, hay ít nhất mỗi đoàn đại biểu phải có kinh phí để tổ chức việc thu thập thông tin, tìm hiểu mọi khía cạnh của các vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội.

Mấy tháng trước kỳ họp lần này, đại biểu Phạm Thị Loan đã bị bí thư xã một xã ở tỉnh Hòa Bình từ chối tiếp, khóa cổng giam xe, nói năng thô lỗ… khi bà đến tìm hiểu thông tin của địa phương. Đây là một sự việc vi phạm nghiêm trọng quyền lực của đại biểu Quốc hội cần được kỳ họp này xem xét giải quyết triệt để. Bất kể bản thân bà Loan như thế nào đi nữa, khi bà đi tìm hiểu thông tin với tư cách đại biểu Quốc hội, bà là đại biểu cho quyền lực của người dân cho nên những hành vi cản trở đại biểu thực hiện nhiệm vụ sẽ phải bị xử lý theo pháp luật. Cán bộ chính quyền hay cán bộ Đảng coi thường một đại biểu, có nghĩa coi thường luôn Quốc hội, nơi theo Hiến pháp, là cơ quan quyền lực nhà nuớc cao nhất của Việt Nam.

Nếu không làm được những động tác tối thiểu phục vụ cho hoạt động của mình tại Quốc hội, các đại biểu rồi cũng sẽ chỉ tham gia ý kiến sửa câu chữ trong các dự án luật, chỉnh sửa vài con số trong các dự án lớn, nâng lên hạ xuống vài chỉ tiêu kinh tế.

Cập nhật:

Giả thử Quốc hội mời một số chuyên gia đến để hỏi chuyện về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, rất có thể họ sẽ cung cấp những thông tin tham khảo sau:

- Do xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc, Đường sắt Quốc gia Nhật Bản (JNR) từng lỗ mỗi năm 20 tỷ đô-la, đến giữa thập niên 1980, JNR lỗ lũy kế lên đến 300 tỷ đô-la. Khi thấy không thể chịu nỗi các khoản lỗ này, chính phủ Nhật Bản bắt đầu tư nhân hóa hệ thống đường sắt từ năm 1987, chia JNR thành 7 công ty cổ phần và dần dần bán cho tư nhân. Ngày nay, một số công ty này bắt đầu có lãi, chủ yếu do chính phủ Nhật bán chúng với giá rẻ, gánh chịu chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và gánh luôn nợ cũ.

- Tuyến đường sắt cao tốc ở Đài Loan nối Đài Bắc với Cao Hùng có chi phí khoảng 15 tỷ đô-la, bắt đầu hoạt động từ năm 2007, đến nay đã lỗ chừng 2,1 tỷ đô-la.

Xem đầy đủ bài viết tại http://nguyenvanphu.blogspot.com/2010/05/chuyen-nghiep-va-quyen-luc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến