Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Mường Hoa sắc đẹp vùng cao

Kho báu ấy cứ để tơ hơ giữa đất trời mặc cho mưa gió và sự vùi dập quá đáng của con người. Thật đáng thương cho một ’số phận’

Đi qua suối Mường Hoa, chúng tôi bị thu hút bởi những hoa văn, hình ảnh độc đáo được khắc trên những hòn đá, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quý giá.

Nhưng, những hòn đá cổ ấy lại đang đứng trước nguy cơ mai một bởi thời gian và sự vô tình của nhiều người.

Đi tìm giá trị của Bãi đá cổ

Khu đá cổ ở Mường Hoa (Sa Pa, Lào Cai) có chiều dài hơn 4 cây số, chiều rộng 2 cây số. Sáng đầu hè nhưng ở Bãi đá cổ Mường Hoa không khí vẫn se lạnh. Những hòn đá, tảng đá với đủ hình dạng, kích thước nằm rải rác khắp thung lũng.



Di sản bị bỏ rơi.

Đi qua suối Mường Hoa dày đặc sương mù, trước mắt chúng tôi là hai khối đá lớn giống như hòn Trống Mái ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Hòn Trống Mái này ở bản Pho, nơi có những hình nét chạm khắc phong phú, sinh động, đẹp nhất thung lũng Mường Hoa. Bề mặt của Hòn Mái ước chừng 10m2, chạm khắc các hình người ở tư thế dang tay, có ánh hào quang như đang tỏa rực trên đầu…

Quan sát kỹ các hình nét chạm khắc ở khu bãi đá cổ, chúng tôi thấy có rất nhiều mô típ hình người, hình vạn vật khác nhau, cả những đường nét như giá đỗ làm người ta dễ liên tưởng đến chữ viết cổ được chạm khắc.

Có hòn đá khắc hình nam nữ cặp đôi có bộ phận sinh dục nối liền nhau, biểu hiện tín ngưỡng phồn thực. Hoặc những hình chạm khắc miêu tả một trận đánh của bộ tộc cổ. Lại có hòn đá mang hình nét chạm khắc giống như sông suối, núi đồi, nhà cửa, đường xá hay những hình ruộng bậc thang.

Tiến sĩ dân tộc học Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai đã đến khảo sát, nghiên cứu bãi đá cổ nhiều lần. Anh bảo: “Khu vực thôn Hầu Chư Ngài, ở sườn núi với độ cao khoảng 1.200m có một nhóm 3 hòn đá có nét khắc rất lạ và độc đáo, giống như thể hiện cương vực cai quản của bộ tộc cổ.

Rải rác ở đây còn tìm thấy nhiều hình trên đá phản ánh sự phân chia từng khu vực với những cánh đồng, sông suối khác nhau. Có hòn ở gần khu rừng Cấm (nơi có miếu thờ thần Thổ địa) miêu tả vùng thung lũng Mường Hoa với dòng suối Hoa cách điệu bằng các nét khắc chìm…”.

Ông V. Gulubép, một học giả người Pháp gốc Nga là người đầu tiên đã tìm ra các hình chạm khắc ở Bãi đá cổ Sa Pa vào năm 1925. Ngày nay, các nhà khoa học ở Bảo tàng Lào Cai đã thống kê, chụp ảnh, in được 159 hòn đá có chi chít những hình khắc bí ẩn và kỳ thú này.

Những hòn đá ấy nhấp nhô trên sườn núi, chìm hẳn, hoặc nửa chìm, nửa nổi ở mặt nương, chân đồi, bên suối. Mới đây, lại tìm thêm được một khu chạm khắc ở làng Má Tra, xã Sa Pả cách khu Bãi đá cổ Mường Hoa 8 cây số.

Bãi đá cổ có sức cuốn hút kỳ lạ không chỉ với các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo… mà cả những người dân trong vùng và nhiều nơi khác. Bà Rôbin, Bí thư Sứ quán Australia ở Hà Nội đã đến Bãi đá cổ Mường Hoa. Bà nhận xét rằng, ở đây có nhiều hình khắc giống hình khắc của thổ dân Châu úc.

Còn phó giáo sư Phạm Minh Huyền, chuyên gia về văn hóa Đông Sơn thì lại “nhìn thấy” các biểu tượng mặt trời, hình người, hình nhà sàn mái cong, hình thuyền úp ngược giống như trên trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn. Nếu vậy thì chủ nhân của những hình chạm khắc này phải là người Việt Cổ cách chúng ta khoảng 2.300 - 3.000 năm.

Những cảnh tượng buồn



Tuy quanh hòn đá đã được xây rào chắn bằng cột bê tông cốt thép nhưng trẻ em vẫn trèo vào ngồi và vẽ bẩn lên trên đá.

Có rất nhiều hướng giải thích, những cách giải mã khác nhau về nguồn gốc và lịch sử của Bãi đá cổ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, các hòn đá mang các ký tự cổ đó là những bức thông điệp có giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa của người xưa để lại. Thế nhưng, một thời gian dài do chiến tranh, do nhiều lý do khác, người ta đã lãng quên.

Chỉ có một số ít nhà khoa học chuyên ngành vẫn âm thầm tự tìm hiểu, nghiên cứu nên ít người biết đến, và Bãi đá cổ Mường Hoa chưa được đánh giá đúng với giá trị thực của nó.

Tuy nhiên, đến nay, ngành văn hóa Lào Cai đã vào cuộc, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đã đến đây chụp ảnh, dập hình các ký tự, hoa văn từ đá. Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Nhà nước cũng đang đề nghị UNESCO công nhận khu di tích chạm khắc đá cổ Sa Pa là Di sản văn hóa thế giới.

Nhưng đến đây, chúng tôi vẫn không khỏi lo lắng và chạnh lòng khi chứng kiến những cảnh tượng đáng buồn.

Nước ta ở xứ nhiệt đới, gió mưa ẩm ướt bốn mùa. Vùng núi cao lại thường hay có lũ lụt. Liệu rằng, những thông điệp quý giá ấy sẽ còn lưu giữ được bao lâu?

Để giữ được những tài sản văn hóa vô giá ấy, với những hòn đá ở vị trí gần đường giao thông, người ta đã xây rào chắn bằng cột bê tông cốt thép để ngăn không cho trâu bò và cả con người đến phá.

Nhưng, nắng mưa, bão gió vẫn tiếp tục dội xuống mặt đá. “Nước chảy đá mòn”, những hòn đá quý ấy cũng mòn đi theo thời gian, bị phong hóa bởi thời tiết. Và khi bề mặt các hòn đá đã mất hết ký tự thì chúng cũng trở nên vô hồn như bao hòn đá khác.

Nhà lưu giữ các giá trị văn hóa trên đá hiu hắt bên đường cái, cửa đóng then cài, mặc khách du lịch ngó nghiêng. Khách du lịch nhiều, chen nhau vây quanh hòn đá vô vàn ký tự đã được rào chắn. Gần đó, ngay trước sân Nhà lưu giữ, có mấy hòn đá cổ chỉ được đắp xi măng xung quanh.

Chúng tôi bất ngờ khi bắt gặp những khách du lịch thản nhiên đi lại trên mấy hòn đá quý không được hàng rào cao bảo vệ. Lại có người ngồi phệt ngay xuống các hòn đá, điềm nhiên nghỉ ngơi. Chúng tôi kịp chụp được mấy kiểu ảnh buồn bã ấy và chỉ còn biết thở dài ngao ngán.

Theo 24h.com.vn
Tag: Du lich, leo nui, da ngoai, phuot, tour,balo, vali, do di bien, du lịch, cam trai, du lich bui, leu du lich, dao da nang

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.openshare.com.vn/community/blogs/umove2009/292-muong-hoa-sa-c-dep-vung-cao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến