Sáng 19/5/2010, tại Hà Nội, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) đã chính thức ra mắt phiên bản thử nghiệm Go.vn – Mạng Việt Nam, một dự án công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay.
Mạng Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh
Go.vn được đánh giá là một dự án CNTT Việt Nam lớn nhất cho đến nay, với số người được huy động lớn, ở khắp Bắc, Trung và Nam (chưa kể nguồn lực của VTC Online ở nước ngoài, như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia. Indonesia, Malaysia, Nga…), thực hiện trong một thời gian ngắn một khối lượng công việc khổng lồ. Trong vòng 75 ngày đêm, hơn 300 cán bộ, nhân viên Tổng công ty VTC khối nội dung số đã hoàn thành năm triệu dòng code, 500 giao diện, hơn 70.000 bài viết, 34 phân hệ dịch vụ, hơn 1.000 biểu tượng (icon), số hóa hơn 100.000 trang sách giáo khoa,…
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói đây là một bước đi trước để thực hiện chiến lược đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT. “Không thể nói một quốc gia mạnh về CNTT mà lại không có mạng chủ lực của mình.” – ông khẳng định. Bộ trưởng kỳ vọng: Mạng Việt Nam phải là nơi tập hợp trí tuệ, nhân tài và trí thức Việt Nam. Và “Mạng Việt Nam cần trở thành một địa chỉ tin cậy của công dân mạng, một “trường đại học tổng hợp” của mọi người, một kho tri thức phong phú, đa dạng, toàn diện của Việt Nam. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhắc nhở: Việc xây dựng Mạng Việt Nam đã khó, nhưng nuôi dưỡng nó còn khó hơn nhiều. Ông cho biết sẽ đích thân theo sát, góp ý thường xuyên và hy vọng mọi người yêu quý mạng Việt Nam, đóng góp để Mạng Việt Nam phát triển nhanh, đúng hướng, trở thành một thương hiệu mạnh, lan tỏa tốt.”
Doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng lợi ích mạng xã hội
Ông Nguyễn Thế Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Việt Nam (VC Corp) |
Trong một lần trao đổi với Diễn đàn doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Việt Nam (VC Corp) nhận định ứng dụng ICT là đòi hỏi thực tiễn bắt buộc mà các doanh nghiệp phải vào cuộc và ứng dụng ngay trong hoạt động kinh doanh để phát triển thị trường, định vị và phát triển thương hiệu. Theo ông Tân, có 4 yếu tố quan trọng DN cần chú trọng trong tiến trình phát triển, đó là Truyền thông, sử dụng các trang web, nghiên cứu thị trường và Internet marketing: “Theo tôi, rõ ràng là các DN đang bỏ qua một công cụ marketing vô cùng hiệu quả. Bởi lẽ, một website của DN đầy đủ thông tin sẽ góp phần tốt nhất để giới thiệu doanh nghiệp, tạo lập hình ảnh và ấn tượng, đồng thời cung cấp thông tin và giúp giao tiếp với khách hàng. Trên thực tế, hiện nay nhiều DN vẫn coi Thương mại điện tử là một phạm trù phức tạp, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể xuất phát ngay và đơn giản hóa , bao gồm: Thông tin cơ bản, kết cấu đơn giản tối đa; Cung cấp thông tin liên hệ; Thẩm mỹ, nhận diện thương hiệu nên được coi trọng và Đăng ký vào search engine (công cụ tìm kiếm). Ngoài ra, các DN có thể ứng dụng ở mức cao hơn như: Giới thiệu sản phẩm, kênh phân phối; Bán hàng trực tuyến; Thông tin về hoạt động công ty và ngành liên quan; Hỗ trợ trực tuyến/Hỏi đáp/Giao tiếp khách hàng”.
Theo ông Tân, Internet Marketing sẽ tạo ra những thay đổi gốc rễ. Chẳng hạn, 4Ps trở thành 1P+3Ps; Thương hiệu quan trọng thêm… Ứng dụng ICT sẽ giúp các DN nghiên cứu thị trường kịp thời và đa dạng như Cung/Cầu và Xu hướng; thông tin về Đối thủ, sản phẩm cạnh tranh; Phản hồi trực tiếp của khách hàng và thị trường… Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện nào để thực hiện Marketing trực tuyến cũng là một bài toán khiến nhiều DN lúng túng. Đó là việc phải lựa chọn thời điểm nào, sử dụng công cụ nào: Bài viết PR; Quảng cáo Nhận diện; Quảng cáo mục tiêu; Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search engine optimization) và Truyền thông xã hội (Social media) và marketing truyền miệng. Riêng kênh marketing Online, tôi muốn nhấn mạnh các DN đến việc chú trọng bài viết PR/Quản lý thông điệp trên báo điện tử, chọn báo độ phủ rộng, chọn báo có uy tín. Bên cạnh đó, cần khiến website có vị trí tốt trong phép tìm kiếm, đưa các nội dung cần thiết vào hiện diện trên Google.
Thứ hai, mạng xã hội không chỉ là công cụ và không gian để làm việc mà thực sự là không gian để sống. Khi ứng dụng mạng xã hội, những khó khăn về sự bày tỏ, về khoảng cách địa lý được giải quyết và làm thỏa mãn đa số mọi người, chẳng hạn “Tôi có thể nắm bắt được hoạt động của bố tôi một cách cụ thể và gần gũi khi ông đang đi công tác tại Châu Phi. Bố tôi có thể yên tâm làm việc vì có thông tin của tôi thường xuyên tại Việt Nam”. Điểm khác biệt của mạng xã hội với các hình thức giao tiếp khác như email, blog là nó khiến mọi mối quan hệ trở nên khách quan và đa chiều. Email, blog thông thường mang tính hai chiều mà thôi. Mạng xã hội là sự phát triển tích cực của nhu cầu giao tiếp trong thời hiện đại.
Thứ ba, mạng xã hội là nơi tìm kiếm và chia sẻ thông tin vô cùng hiệu quả. Với một cái tên hoặc email, chúng ta có thể nhanh chóng tìm thấy nhau. Một hoạt động của cá nhân hay doanh nghiệp có thể được hưởng ứng với số đông mọi người. Khi đó, họ bàn luận và tương tác với nhau, thăm dò và xây dựng các mối quan hệ hữu ích với nhau.
Thứ tư, mạng xã hội mang đến những mối quan hệ bình đẳng dựa trên mong muốn, ý chí của những người tham gia. Đây là điều lý thú nhất của mạng xã hội. Khi tham gia vào mạng xã hội, những thói quen tiêu cực như coi trọng bằng cấp hình thức, coi trọng quyền lực hình thức, coi trọng đồng tiền hình thức sẽ khó phát triển. Ai cũng như ai, mỗi người được quyền sống theo cách mà họ muốn. Và cũng chính trên mạng xã hội, theo quy luật của nhân quả, họ sẽ không nhận được cái mà họ không xứng đáng. Ví dụ như họ sẽ không được yêu quý và đón nhận nếu họ không mang đến những giá trị đích thực cho người khác. Họ không được để ý và quan tâm nếu họ không chủ động tham gia. Họ sẽ bị người khác phê bình nếu họ làm điều gì không hợp lý. Và họ cũng sẽ bị bắt nếu họ làm điều gì trái với pháp luật.
Rõ ràng, với sự phát triển của công nghệ, viêc ra đời và phát triển các mạng xã hội là một nhu cầu tất yếu. Diễn đàn Doanh nghiệp rất tâm đắc với quan điểm của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: ” Mạng Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với mạng thế giới bằng con đường trí tuệ và hòa bình. Nhiều người nói rằng tôi chỉ đạo Mạng Việt Nam ra đời để “dẹp” các mạng khác như Google, Yahoo!. Nói như vậy là không đúng. Chúng ta sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh. Và nơi nào có văn hóa, nơi nào có giá trị, nơi nào có ích thì con người sẽ tìm đến”. Chắc chắn, với quan điểm này của Bộ trưởng, chúng ta có quyền kỳ vọng và có cơ sở để tin tưởng rằng Việt Nam sẽ sớm có những mạng xã hội cạnh tranh lành mạnh với các mạng xã hội thế giới.
Filed under: PR: Publicity
Xem đầy đủ bài viết tại http://vietiep.wordpress.com/2010/05/21/m%e1%ba%a1ng-xa-h%e1%bb%99i-%e2%80%9cmade-in-vi%e1%bb%87t-nam%e2%80%9d-t%e1%bb%b1-tin-nh%e1%ba%adp-cu%e1%bb%99c/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét